Nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất kinh doanh trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, bảo đảm việc làm cho người lao động, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý đối với mặt hàng rượu, bia.
Việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia lần này với mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia và hạn chế lạm dụng rượu, bia; tính toán các phương án nhằm đảm bảo hài hòa các yếu tố: sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, điều tiết thu NSS, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Dự thảo Luật đưa ra hai phương án điều chỉnh thuế suất hàng năm, bắt đầu từ năm 2026; trong đó phương án 1 tăng năm đầu tiên là 5% và mỗi năm tăng thêm 5%, đến năm 2030 là 90%. Phương án 2 năm đầu tiên tăng 15% và mỗi năm tăng thêm 5%, đến năm 2030 là 100%.
VTCA cho rằng, việc tăng liên tục và tăng nhanh sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đang cố gắng ổn định, hồi phục sản xuất kinh doanh sau Covid-19, đồng thời phải thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý đối với mặt hàng rượu, bia
“Việc chọn phương án 2 là tăng nhanh, liên tục, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại và cả dịch vụ ăn uống. Theo đó cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động… ổn định thị trường”, VTCA chia sẻ.
Mặt khác, việc tăng thuế đồng nghĩa với tăng giá bán, nhưng các nhu cầu về sử dụng rượu bia theo phong tục tập quán Việt Nam vào dịp ma chay, cưới hỏi, lễ tết, hội hè … vẫn diễn ra. Từ đó dẫn đến bộ phận người tiêu dùng chuyển sang sử dụng rượu, bia nhập lậu, nguồn sản xuất rượu bất hợp pháp do dân nấu, để thay thế rượu sản xuất, nhập khẩu hợp pháp, dẫn đến không đảm bảo mục tiêu của việc tăng thuế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thêm biện pháp quản lý rượu, bia nhập lậu và đặc biệt là rượu do dân nấu, rượu sản xuất, mua bán bất hợp pháp, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng; nhất là tình trạng pha chế bằng cồn Methanol (cồn công nghiệp) có thể gây độc với các cơ quan nội tạng, hệ thần kinh và thị giác có thể gây chết người. Đối với rượu tự nấu đảm bảo chất lượng cần phải đăng ký sản xuất kinh doanh, nộp thuế GTGT, TTĐB… theo quy định của pháp luật.
Tại các hội thảo về tham gia lấy ý kiến góp ý về dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi), có nhóm ý kiến đề nghị chọn phương án 1 nhưng mong muốn giãn cách thời gian tăng là hai năm, để các doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất kinh doanh trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Từ các phân tích trên, VTCA đề nghị nếu không thể giãn thời gian lộ trình điều chỉnh thuế suất thì đề nghị nên chọn phương án 1 của dự Luật: mỗi năm tăng đều thuế suất 5% đến năm 2030 thuế suất là 90%.
VTCA cho rằng, việc lựa chọn phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB nhằm đảm bảo hài hòa các lợi ích: sức khỏe cộng đồng, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn thu cho NSNN là cực kỳ khó khăn, do vậy VTCA tham gia một số ý kiến mong muốn Luật thuế TTĐB khi được Quốc hội thông qua sẽ thực sự đi vào cuộc sống, thực hiện hài hòa các mục tiêu.
Anh Nguyễn