Tại Việt Nam, tình trạng trẻ em lười vận động đang trở thành một vấn đề đáng báo động, góp phần không nhỏ vào sự gia tăng của tỷ lệ thừa cân và béo phì trong nhóm tuổi học đường. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2030, gần 2 triệu trẻ em Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ này.
Lười vận động - Bức tranh phổ biến thời hiện đại
Những buổi sáng cuối tuần, ở nhiều khu dân cư tại Hà Nội, không khó để nhận ra một thực tế, trẻ em hiếm khi xuất hiện tại những khu vui chơi công cộng. Thay vào đó, chúng âm thầm ngồi trong phòng với chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh hay máy chơi game. Thậm chí, nếu bố mẹ đưa đến những hàng quán có khu vui chơi cho trẻ, chúng cũng không hào hứng tham gia mà đòi điện thoại của bố mẹ để chơi game.
Người viết bài đã không ít lần chứng kiến tại nhiều quán café, nhà hàng ăn uống ở nhiều nơi của Hà Nội (hay một số tỉnh, thành phố mình từng đặt chân đến như Quảng Ninh, Hải Phòng), cảnh các bố mẹ vừa uống nước vừa rôm rả chuyện trò, trong khi các cô bé, cậu bé đều ôm điện thoại hoặc iPad và không hề bận tâm đến thế giới xung quanh. Mới đây, tại một quán cà phê trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), không ít thực khách được chứng kiến cảnh một bé trai kì kèo bằng được bố mẹ đưa điện thoại với lời hứa: “Con chỉ chơi 15 phút!”. Tuy nhiên, khi chơi đủ thời gian, bố mẹ mà lấy lại điện thoại thì bé khóc nức nở, khiến bà mẹ đành đưa lại điện thoại cho con “cho yên chuyện” vì ái ngại với những người xung quanh.

Nhà trường cần tăng cường các tiết học thể dục, câu lạc bộ thể thao và các hoạt động ngoài trời để thúc đẩy thói quen vận động cho học sinh.
Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao không ít về những lo lắng, cũng như cách thức đối phó với “khối nghỉ hè” (cách nói vui của cư dân mạng) khi học sinh các cấp bắt đầu bước vào dịp nghỉ hè. Những câu hỏi như: Gửi con ở đâu, cho con chơi gì, ăn gì, học thêm gì… được các ba mẹ đưa ra bàn tán sôi nổi khắp các diễn đàn. Trong số này, nỗi lo lắng về chuỗi ngày các con dán mắt vào các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính bảng, máy chơi ga được đưa lên hàng đầu, bởi bên cạnh nguy cơ các con đối diện với các bệnh về mắt, còn có nguy cơ lớn về tình trạng thừa cân béo phì do ít vận động.
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (2020), tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì trong độ tuổi 5–19 tăng gấp hơn hai lần trong vòng 10 năm, từ 8,5% (2010) lên 19% (2020). Đặc biệt, khu vực thành thị, tỉ lệ này lên đến 26,8%, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á là 17,3%. Nguyên nhân của sự gia tăng nhanh chóng này phần lớn do lượng vận động của trẻ ngày càng thấp. Báo cáo của WHO (2022) công bố: 81% trẻ em trai và 92% trẻ em gái từ 11–17 tuổi ở Việt Nam không đạt mức vận động tối thiểu 60 phút/ngày.
Vòng xoáy bệnh tật liên quan đến béo phì
Theo các chuyên gia y tế, béo phì không chỉ ảnh hưởng tới ngoại hình mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. Điển hình như: Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch do lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể; Sự gia tăng đường huyết và kháng insulin dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường; Trẻ béo phì thường gặp vấn đề về hô hấp khi ngủ, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém; Đặc biệt, trẻ thừa cân có thể gặp vấn đề về tự tin, dễ bị bắt nạt và có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm lý như trầm cảm. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ béo phì từ nhỏ thường tiếp tục duy trì thể trạng này đến tuổi trưởng thành.

Điển hình như trường hợp bé Trần M.H. (11 tuổi, Cầu Giấy), có cân nặng 67kg trong khi chiều cao chỉ 1m42. Bé thường xuyên mệt mỏi, không thể tham gia hoạt động thể chất và đã bỏ lớp thể dục do thể trạng quá khổ. Giờ đây, khi con đối diện với nhiều căn bệnh đi kèm như huyết áp, tim mạch và phải áp dụng chế độ ăn uống, rèn luyện khắt khe do các bác sĩ ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ định, cha mẹ bé mới hoảng hốt thừa nhận rằng: "Chúng tôi chỉ lo và hướng con vào việc học hành, chứ không nhắc nhở con chịu khó vận động, không ngờ béo phì lại để lại hậu quả lớn như vậy!".
Sự phát triển của công nghệ và lối sống hiện đại đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu hoạt động thể chất ở trẻ em. Thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời, nhiều trẻ em hiện nay dành phần lớn thời gian cho việc học thêm, xem tivi, chơi game hoặc sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, môi trường sống cũng ảnh hưởng đến mức độ vận động của trẻ. Ở các khu đô thị, không gian xanh và khu vực vui chơi an toàn cho trẻ em còn hạn chế, khiến việc vận động trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng là một yếu tố góp phần vào tình trạng thừa cân, béo phì. Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm nhanh, các loại trà sữa không được kiểm soát hàm lượng đường và thiếu rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày đã làm gia tăng lượng calo nạp vào cơ thể mà không được tiêu hao qua hoạt động thể chất. Thực trạng này đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn từ phụ huynh và để thay đổi, cần sự vào cuộc đồng bộ của gia đình, nhà trường và chính sách nhà nước.
Về phía gia đình, cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất hàng ngày như đi bộ, đạp xe, chơi thể thao. Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử và tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Phía nhà trường, cần tăng cường các tiết học thể dục, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ thể thao để thúc đẩy thói quen vận động cho học sinh. Phía chính quyền, cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng vui chơi công cộng, có các chương trình truyền thông thay đổi nhận thức, đồng thời đơn giản hóa quy trình đạt chuẩn dịch vụ thể thao để hỗ trợ các công trình vui chơi nhỏ. Về vấn đề chính sách, rất cần các cơ quan Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ dinh dưỡng hợp lý trong trường học, kiểm soát quảng cáo thực phẩm không lành mạnh và tăng cường giáo dục về lợi ích của vận động thể chất.
Tình trạng lười vận động ở trẻ em Việt Nam đang là một vấn đề nghiêm trọng, góp phần vào sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì. Để bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ, cần có những hành động thiết thực và kịp thời từ gia đình, nhà trường, cộng đồng, cùng các cơ quan chức năng. Chỉ khi tạo được môi trường sống lành mạnh và khuyến khích thói quen vận động, chúng ta mới có thể đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ em Việt Nam.
Nga Nguyễn