
Tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua, ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh
Như chúng ta đã biết, Quốc hội và Chính phủ “chốt” mục tiêu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% để tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo 2026-2030, một mục tiêu vượt xa dự báo của các tổ chức quốc tế ở mức từ 6,1-6,6%. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là động lực để Việt Nam vươn mình bước vào “kỷ nguyên mới” với những thế mạnh hiện có. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã giao các mục tiêu rất cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Chính phủ đã nhận diện các động lực tăng trưởng trong đó có hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, xuất khẩu v.v cần được ưu tiên trong thời gian tới trên cơ sở “làm mới” ba động lực chính của tăng trưởng GDP trong năm 2024 là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bà Phan Thanh Thủy, Ban Pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận định “Đầu tư và tiêu dùng là hai yếu tố trọng yếu, có tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế”, cùng quan điểm với rất nhiều các chuyên gia trong đó tiêu dùng trong nước là “hàn thử biểu” phản ánh nhu cầu, sức mua của người dân. Tuy nhiên, Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện đang điều chỉnh tăng cao thuế suất mặt hàng rượu, bia lên tới 100%, trong 5 năm liên tục và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. VCCI lo ngại “Việc điều chỉnh thuế suất TTĐB một cách đột ngột có thể làm giảm sức mua, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển chung của nền kinh tế”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đồng tình với phân tích này, Hiệp hội Tư vấn Thuế (VTCA) cũng chia sẻ: “Việc chọn phương án 2 là tăng nhanh, liên tục, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại và cả dịch vụ ăn uống. Theo đó cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động, ổn định thị trường”.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA phát biểu tại Hội thảo
Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho biết thêm, đặc thù ngành đồ uống có cồn, ngoài việc chịu các hạn chế từ các luật chuyên ngành như Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại v.v và đặc biệt là Nghị định 100, Nghị định168 v.v, đã và đang ảnh hưởng rất mạnh tiêu dùng rượu, bia trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm tới gần 63% lượng rượu tiêu thụ, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống..
VBA quan ngại “Một trong những mục tiêu cụ thể để giúp tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước (thông qua chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành chế biến chế tạo và tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ). Trong khi đó, một trong những mục tiêu của thuế TTĐB là giảm tiêu dùng trong bối cảnh ngành vừa mới có dấu hiệu hồi phục sẽ gây cản trở, mất đi động lực “đẩy mạnh tiêu dùng” để đạt của mục tiêu tăng trưởng”.
VBA chia sẻ, những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, đặc biệt là dịp Tết, ngành đồ uống đã ghi nhận sự sụt giảm do nhu cầu giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu do lo lắng mất việc việc làm đang lan rộng từ khối hành chính công, ngành công nghệ, ngân hàng, bán lẻ, sản xuất v.v. Trong khi đó, ở nông thôn, giá gạo giảm thể hiện tâm lý bất an của người nông dân và việc thắt chắt chi tiêu được thể hiện rõ.
Theo Báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý IV năm 2024 và dự báo quý I năm 2025, khảo sát các doanh nghiệp cho thấy 62% lo ngại về “Nhu cầu thị trường trong nước thấp”.
Xét về động lực tăng trưởng liên quan đến đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) phân tích, những thay đổi trong chính sách thương mại của một số thị trường xuất khẩu lớn có thể dẫn đến những chuyển dịch đầu tư ra khỏi những thị trường có rủi ro cao về thuế. Những thay đổi về chính sách thuế như tăng thuế suất hay hay bổ sung các mặt hàng mới và diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt “Sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”. VBA cũng chia sẻ ngành đồ uống là một ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn từ các công ty đa quốc gia của các nước phát triển khu vực châu Âu, châu Mỹ bằng các cam kết đầu tư đem theo công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp bia, cùng các phương pháp quản lý sản xuất, kinh doanh tiên tiến để sản xuất các mặt hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đề xuất tăng thuế TTĐB như hiện nay có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE phát biểu
Với những thông tin liên quan đến các Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động định lượng của đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đã được công bố được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê, VCCI và VBA đều có cùng đánh giá, xét về tác động kinh tế vĩ mô, cả hai phương án trong Dự thảo Luật đều có nguy cơ làm giảm giá trị gia tăng của ngành và tác động tiêu cực đến GDP, dù trong ngắn hạn, thu ngân sách có thể tăng, nhưng về trung và dài hạn sẽ giảm. Cụ thể, đối với ngành bia, theo hai phương án mà Ban soạn thảo đề xuất, GDP sẽ sụt giảm lần lượt là 14.276 tỷ đồng tương đương 0,0354% và 32.5259 tỷ đồng, tương đương 0,08%; Tổng giá trị tăng thêm của ngành bia là 44.359 tỷ đồng, tương đương 9,4% và 61.899 tỷ đồng, tương đương 13,12%; Đối với ngành nước giải khát, sụt giảm về GDP là 0,448%, tương ứng 42.570 tỷ đồng; Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương ứng 55.077 tỷ đồng;
Cần có chính sách phù hợp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Từ những nhận định của các hiệp hội cho thấy, sự quan ngại về việc đề xuất tăng thuế TTĐB quá cao trong thời gian tới mặc dù việc điều chỉnh tăng thuế này là cần thiết. Ngay cả VBA với hội viên là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ uống là đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo Luật Thuế TTĐB cũng thể hiện quan điểm “ủng hộ, đồng hành và nhất quán quan điểm về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật thuế TTĐB” để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như bảo vệ sức khỏe của nhân dân và tiếp tục đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng ở trung ương và địa phương.

Để các giải pháp, hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành tới các doanh nghiệp, người dân đi vào thực chất đồng thời tối ưu các giải pháp giúp thúc đẩy các động lực tăng trưởng từ các thể chế, trong đó có chính sách thuế TTĐB, trong công văn kiến nghị về dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) gần đây, VCCI đề xuất “lùi lộ trình tăng thuế TTĐB từ năm 2028, với mức tăng hợp lý 5% mỗi hai năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đảm bảo tính khả thi của chính sách và hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường”.
VTCA cũng nêu rõ “cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.
VBA có những kiến nghị rất cụ thể cho ngành đồ uống về “Thời điểm hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) nên được thực hiện từ năm 2028; Đối với sản phẩm rượu, bia, xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng, cụ thể là hai năm tăng 1 lần, mỗi lần không quá 5% đến 2030; Đối với sản phẩm nước giải khát có đường: Xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB”.
VAFIE cũng kiến nghị “đề nghị xem xét việc giữ nguyên thuế suất hiện tại đến hết năm 2026 để doanh nghiệp có thời gian phục hồi và bắt đầu lộ trình tăng thuế hai (02) năm một lần với mức tăng 5% mỗi năm hướng tới tỷ lệ tăng tối đa là 80%” và “Xem xét cân nhắc kỹ việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB...”.

Chính phủ và các bộ ngành đang tìm mọi giải pháp, tổ chức các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để cùng đồng hành, lắng nghe, giải quyết vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách thuế như giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2025 và 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025. Các chính sách trong bối cảnh hiện nay cần đồng thuận, đồng chiều để thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi Chính phủ đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì chính sách thuế TTĐB với đề xuất tăng cao và sốc như hiện nay đang có xu hướng làm xói mòn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp khó khăn thêm chồng chất và đồng thời ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Hy vọng những quan ngại, phân tích đa chiều và kiến nghị cụ thể của các hiệp hội sẽ được các nhà hoạch định chính sách quan tâm xem xét để chính sách thuế TTĐB sắp tới đảm bảo được tính hài hòa, hợp lý, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Với những phân tích trên đây và căn cứ vào bối cảnh thực tế hiện nay, cơ quan soạn thảo và các nhà hoạch định chính sách cần tiếp thu ý kiến để xem xét, cân nhắc phương án phù hợp, điều chỉnh những điều còn bất cấp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thị trường, khi chính sách phù hợp với thực tế thì mới góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước và đạt được các mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm nay và các năm tiếp theo.
Các hiệp hội quan ngại Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện đang điều chỉnh tăng cao thuế suất mặt hàng rượu, bia theo hai phương án trong đó phương án 2 lên tới 100%, trong 5 năm liên tục và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) với hàm lượng đường 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%.
Việc bổ sung thêm mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB hay tăng cao thuế suất TTĐB một cách đột ngột liên tục mà chưa có các đánh giá toàn diện đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025 và hai con số trong giai đoạn tiếp theo 2026-2030 có thể có thể làm giảm sức mua, làm giảm động lực tăng trưởng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển chung của nền kinh tế.
Các hiệp hội kiến nghị cân nhắc lùi lộ trình tăng thuế TTĐB từ năm 2028, với mức tăng hợp lý 5% mỗi hai năm; cân nhắc chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đảm bảo tính khả thi của chính sách và hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường.
|
Nguyễn Anh