Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV năm 2024 vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chia sẻ một số ý kiến liên quan đến Dự thảo thuế TTĐB. Với ngành rượu bia, các đánh giá tác động của Chính phủ liên quan về quy định thuế TTĐB chưa định lượng, chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện về những chi phí và những vấn đề khi áp dụng chính sách mới tác động đến nền kinh tế, an sinh xã hội và các đối tượng bị ảnh hưởng. Cần xem xét giảm mức tăng thuế và giảm lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây ra cú sốc về thuế, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi dần với việc tăng thuế trong thời gian tới. Nhiều ý kiến băn khoăn với lộ trình tăng thuế cao trong thời gian ngắn sẽ gia tăng việc kinh doanh rượu, bia bất hợp pháp v.v.

Đối với ngành nước giải khát, Dự thảo chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có đường có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, cần làm rõ cơ sở khoa học chứng minh việc sử dụng nước giải khát có đường gây ra thừa cân béo phì, tăng tỉ lệ đái tháo đường tăng huyết áp v.v; Khả năng đạt mục tiêu của chính sách đối với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân; Làm rõ tác động chính sách đến người tiêu dùng, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, vùng khó khăn, doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài; Nguy cơ chuyển sang sử dụng sản phẩm có đường khác, giá rẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm v.v
Tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính, cơ quan thẩm tra tiếp tục tham vấn kỹ ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp để bổ sung thêm thông tin, dữ liệu cho phương án báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới. Nguyên tắc chung là hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân, mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ngày 18/3/2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt” tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, một số Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội ngành hàng và hơn 100 doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế TTĐB. Các ý kiến đều tập trung vào những khó khăn của ngành và kiến nghị mức tăng và lộ trình phù hợp.
Gần đây, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, các Đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến phản ánh đa chiều về tác động của việc điều chỉnh thuế đối với ngành rượu, bia. Xu hướng chung được ghi nhận là đồng thuận với chủ trương tăng thuế, tuy nhiên cần có lộ trình hợp lý và minh bạch để tránh gây cú sốc cho doanh nghiệp và thị trường.
Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đặc biệt là ngày 2/4/2025, Tổng thống Donal Trump bất ngờ áp thuế đối ứng rất cao đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Việt Nam, sẽ có thể dẫn đến các biện pháp đáp trả trong tương lai gây hỗn loạn thị trường thương mại thế giới và tác động mạnh tới thị trường Việt Nam. Mặc dù hiệu lực áp thuế đối ứng này được lùi lại 90 ngày nhưng hiện tại, Chính phủ và các Bộ ngành đang tích cực khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó. Trong tình hình như vậy, Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay để tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Điều này, đòi hỏi các chính sách ban hành trong thời gian tới, đặc biệt là chính sách tăng gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp như chính sách thuế TTĐB đòi hỏi phải cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng.

Mặc dù còn quá sớm để có thể đánh giá được hết các tác động tiêu cực của chính sách áp thuế đối ứng và những tác động cụ thể tới ngành đồ uống nhưng Hiệp hội góp ý một số ý kiến như sau:
- Một trong những mũi nhọn, động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số cho giai đoạn tiếp theo là “đẩy mạnh xuất khẩu” sẽ bị tác động nặng nề, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
- Ngành Đồ uống là ngành thu hút nhiều vốn đầu tư trong nước và những tập đoàn lớn từ nước ngoài như (Heineken, Carlsberg, Coca-cola, Anheuser-Busch InBev, Suntory PepsiCo v.v). Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục duy trì sức hấp dẫn, cạnh tranh và niềm tin để ổn định các nhà đầu tư hiện tại, thu hút đầu tư nước ngoài và ổn định môi trường đầu tư kinh doanh.
- Một trong những động lực đã được nhận diện là đẩy mạnh tiêu dùng trong nước cần được quan tâm hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay để tạo sự bền vững cho sự tăng trưởng từ chính các sức mạnh nội tại của Việt Nam. Cụ thể là các chính sách đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ cho các doanh nghiệp để có thể đóng góp phần vào động lực tăng trưởng, nỗ lực quyết tâm đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Nếu tới đây, dự kiến năm 2026, Nhà nước chính thức áp dụng mức tăng thuế TTĐB “sốc” như trên, sẽ tạo ra sự khủng hoảng với các doanh nghiệp trong ngành, sẽ gây ra những tác động đa chiều bởi ngành đồ uống không chỉ là ngành sản xuất đơn thuần mà còn gắn với chuỗi cung ứng rộng lớn, liên quan tới hơn 20 ngành khác như nông nghiệp, vận tải, cơ khí, dịch vụ, du lịch và đặc biệt là kênh tiêu thụ tại nhà hàng, quán ăn. Tăng thuế cao và sốc có thể gây ra chuỗi tác động tới nhiều doanh nghiệp và lan tỏa ra các ngành khác, khiến việc làm, thu nhập của hàng triệu người lao động chịu ảnh hưởng theo.
Khi thuế tăng, giá bán sản phẩm sẽ phải tăng để bù đắp chi phí thuế và phần tăng này sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Nhưng với thu nhập người dân chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và các biến động kinh tế, sức mua sẽ bị giảm mạnh do độ co giãn của nhu cầu theo giá đối với rượu bia rất nhạy cảm. Sản lượng tiêu thụ giảm, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Nếu áp thêm mức thuế cao, thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng không đủ sức cạnh tranh, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, chi phí v.v.
Theo một khảo sát của VBA, hiện có khoảng 63% lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam không rõ nguồn gốc, không chịu sự quản lý và không nộp thuế. Nếu thuế TTĐB tăng “sốc”, sản lượng rượu không hợp pháp này có thể tiếp tục gia tăng, khiến nguồn thu từ thuế TTĐB sẽ không đạt như kỳ vọng, đi ngược lại mục tiêu tăng ngân sách mà chính sách đề ra.
Báo cáo nghiên cứu hành vi người tiêu dùng được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ cũng chỉ ra, khi giá sản phẩm chính thống vượt quá khả năng chi trả, người tiêu dùng chắc chắn sẽ có xu hướng bị thu hút bởi các lựa chọn rẻ hơn, bất chấp rủi ro. Điều này vô hình trung sẽ làm thị phần của rượu bia trôi nổi, tự nấu không bảo đảm chất lượng tăng lên. Đây là một vấn nạn đã tồn tại nhiều năm mà chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Hiện tượng “bia cỏ”, giá rẻ đã và đang có xu hướng tăng trưởng rất nhanh ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi người dân có thu nhập, dân trí thấp. Trong khi đó, rượu bia tự nấu không đảm bảo an toàn, trong đó có tình trạng pha các chất độc hại như methanol (cồn công nghiệp) có thể gây mù lòa, tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong nếu tiêu thụ với liều lượng cao. Nhiều vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây là minh chứng rõ nét cho mối nguy này. Bên cạnh đó, nếu không làm tốt công tác ngăn chặn, quản lý, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái cũng có thêm động lực để phát triển. Đây là bài toán nan giải đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh “lợi bất cập hại”.
Theo tính toán của VBA dựa trên số liệu của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành bia trong giai đoạn 2009-2013 là gần 2 con số (9.76%). Nhưng trong giai đoạn năm 2016-2019, mức thuế TTĐB tăng 5%/năm, số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân ngành bia đã sụt giảm từ 9.76% xuống còn 6.85%. Nếu tính cả giai đoạn từ 2016 đến 2024 thì tốc độ tăng trưởng ngành bia trung bình chỉ còn 3.3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP cùng giai đoạn, trong khi vào giai đoạn trước đó tốc độ tăng trưởng bình quân ngành bia thường cao hơn hoặc tương đương GDP.
Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế, chúng ta cũng cần quan tâm tới “sức khỏe” doanh nghiệp, “nuôi dưỡng nguồn thu” và sức cầu tiêu dùng nội địa. Khi doanh nghiệp suy yếu, việc làm giảm, thu nhập lao động bị ảnh hưởng, sức mua suy giảm, đà phục hồi kinh tế sẽ chậm lại. Nếu không có chính sách thuế hợp lý, việc đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng và duy trì dòng vốn đầu tư sẽ gặp rất nhiều thách thức.
Trước những khó khăn chồng chất, để giảm những tác động tiêu cực tới ngành, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp ngành đồ uống xin kiến nghị:
1. Đối với rượu bia: lùi thời điểm bắt đầu thực hiện đến năm 2028 và áp dụng lộ trình tăng thuế hợp lý là tăng 5% mỗi năm trong 5 năm liên tục (như mức tăng theo phương án 1).
2. Đối với nước giải khát có đường: Xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp ngành đồ uống kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để xây dựng chính sách thuế TTĐB phù hợp. Thời gian không còn nhiều, VBA đặt kỳ vọng vào trí tuệ, sự cầu thị và sự công tâm của các nhà hoạch định chính sách trên cơ sở xem xét thấu đáo, toàn diện, công bằng và hài hòa giữa các mục tiêu dựa trên các ý kiến đa chiều từ các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, các báo cáo nghiên cứu khoa học, điều kiện hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, các kinh nghiệm quốc tế để tìm được giải pháp tăng thuế TTĐB tối ưu, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì môi trường đầu tư ổn định.
Kim Anh