
Chưa đủ căn cứ khoa học thì chưa nên thông qua
Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo có đưa nội dung “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB” với thuế suất 10% với lý do là bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại nhiều hội thảo, tọa đàm các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì (TCBP), việc đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB là chưa phù hợp với thực tế hiện nay, chưa có đủ căn cứ khoa học để chứng minh “nước giải khát có đường” là “thủ phạm” gây ra TCBP. Chia sẻ tại Tọa đàm chiều 4/4, PGS. TS. Nguyễn Quang Dũng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho rằng, TCBP do nhiều nguyên nhân phức tạp cấu thành như khẩu phần ăn và dinh dưỡng nhiều, hoạt động thể lực kém, yếu tố di truyền, yếu tố kinh tế - xã hội, ngủ ít, suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ... Không nên đơn thuần coi việc tiêu thụ đường hay một sản phẩm cụ thể nào là nguyên nhân của TCBP

PGS. TS. Nguyễn Quang Dũng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì không tương ứng với mức độ tiêu thụ nước ngọt thường xuyên giữa trẻ em ở khu vực thành thị và nông thôn. Hay Báo cáo An ninh lương thực và dinh dưỡng ASEAN (2021) cho thấy, đường và đồ ngọt cung cấp ~3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể. Thực phẩm giàu chất bột đường và protein chiếm tỉ trọng lớn trong khẩu phần ăn của người Việt.
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu chính là giảm TCBP thì không xác định được nước giải khát có đường là nguyên nhân chính, chủ yếu, duy nhất. Đường là một trong những nguyên nhân gây TCBP và nước giải khát có đường là một phần nhỏ chứa đường. Không có số liệu, kết luận nào về mối quan hệ giữa người bị bệnh TCBP với việc sử dụng nước giải khát có đường.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, Dự thảo thuế TTĐB đối với ngành đồ uống tác động tới các ngành sản xuất, sức cầu và hành vi tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng trẻ chưa nhận thức được rằng hàm lượng đường trong các sản phẩm nước ép, sản phẩm từ cacao, sữa và thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng còn cao hơn nước giải khát có đường. Ngược lại có thể khiến người tiêu dùng hướng tới việc chọn lựa các sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường và calo cao hơn.
“Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và cần nhiều sự hỗ trợ, việc áp thuế TTĐB với các kịch bản cao và áp dụng ngay sẽ tác động mạnh đến ngành đồ uống và đến toàn bộ nền kinh tế” - ông Việt nói.

Bà Lê Minh Trang - Quản lý Cấp cao khu vực miền Bắc Công ty Nielsen Việt Nam
Bà Lê Minh Trang - Quản lý Cấp cao khu vực miền Bắc Công ty Nielsen Việt Nam chia sẻ về xu hướng hành vi tiêu dùng và những yếu tố tác động tới hành vi của người tiêu dùng đối với sản phẩm đồ uống. Ngành hàng đồ uống có mức độ nhạy cảm về giá cao cần thận trọng trong việc điều chỉnh giá. Đặc biệt, khi người tiêu dùng đang chưa có nhận biết đầy đủ về chính sách thuế, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn. Người tiêu dùng ở khu vực nông thôn cũng có xu hướng sẽ tìm kiếm các sản phẩm thay thế với giá thành thấp hơn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Minh Đức – Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN kiến nghị chưa bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì cơ quan soạn thảo chưa nghiên cứu và đánh giá đầy đủ tác động kinh tế trong bối cảnh rủi ro quốc tế đang gia tăng.

Ông Nguyễn Minh Đức – Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng chi phí kinh doanh cao. Bao gồm chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế, tuân thủ các quy định giảm phát thải trong nước và quốc tế, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất cần Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích tiêu dùng trong nước. Việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của doanh nghiệp, tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo nhận định của nhà sản xuất, nếu ban hành chính sách này sẽ dẫn đến tăng giá, sẽ làm xáo trộn hành vi của người tiêu dùng, tác động đến cả chuỗi lợi ích liên quan như người nông dân trồng chè, logistics, xây dựng, vận tải... Các đại biểu kiến nghị, nếu chưa có có căn cứ, chưa rõ thì chưa thông qua. Chỉ quyết định khi mọi thứ đã rõ ràng. Như vậy mới là đúng. Chứ chọn giải pháp lộ trình hai năm hay thuế suất là 5% hay 10% thì chỉ là giải pháp chọn sai ít hơn. Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp ngành nước giải khát mong đợi các nhà hoạch định chính sách xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Uỷ ban Quản trị, Đảm bảo hoạt động và Danh tiếng Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Uỷ ban Quản trị, Đảm bảo hoạt động và Danh tiếng Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: Các doanh nghiệp trong ngành Nước giải khát không phải vì lợi ích cục bộ mà kiến nghị, chúng tôi đồng ý với chủ trương bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế các bệnh không lẫy nhiễm, giảm TCBP. Tuy nhiên, các chính sách thuế cần lưu ý các hiệu quả tổng thể, làm sao để tránh tác động lớn tới người lao động, người nông dân.
Các doanh nghiệp mới phục hồi sau dịch Covid - 19, nay lại chịu nhiều tác động bởi nhiều yếu tố, mới đây là việc Tổng thống Donal TrumpTrump công bố áp thuế đối ứng rất cao đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đặt ra ở mức trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số ở các năm tiếp theo, để giải quyết khó khăn có thể bằng việc không đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, chính chúng ta có thể tự giải quyết được, cân nhắc chưa nên thông qua để tránh gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Tựu chung lại, nếu chính sách chưa rõ, chưa có căn cứ thì chưa nên thông qua.

Ông Bùi Khánh Nguyên, Phó TGĐ Đốc đối ngoại truyền thông & Phát triển bền vững, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam
Ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng giám đốc Đối ngoại truyền thông & Phát triển bền vững, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam cho rằng, chính sách cần dựa trên sự công bằng theo 2 tiêu chí (1) Chính sách thuế phải dựa trên cơ sở khoa học. Cần lưu ý nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả. Nhóm sử dụng và nhóm đối chứng. Cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn, độ tin cậy cao hơn. (2) Nếu đánh thuế thì cần áp dụng toàn diện, không nên chỉ nhắm vào một sản phẩm mà bỏ qua các sản phẩm có đường khác. Nếu đánh thuế vì sản phẩm chứa đường thì cần đánh thuế đường, bánh kẹo, sô-cô-la, trà sữa v.v. Trong khi đó, vẫn còn nhiều sản phẩm có hại cho sức khỏe như đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên, mỳ gói, đồ uống chưa cafein v.v. Sản phẩm nào cũng có tính hai mặt. Cần lưu ý sản dụng như thế nào, hợp lý nếu dùng công cụ đánh thuế không giải quyết được vấn đề.
Cần đưa “cuộc sống” vào quá trình xây dựng “pháp luật” và căn cứ vào bối cảnh thực tế

TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)
TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: Quyền của đối tượng chịu tác động trực tiếp là góp ý vào Dự thảo và cần được nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc. Nhưng bản dự thảo gần đây nhất chưa thấy thể hiện được điều đó. VAFIE kiến nghị, cần kích thích được sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp khó khăn chắc chắn sẽ còn chồng chất nhiều hơn. Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp để phát triển, vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Chúng tôi kiến nghị chưa nên đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA)
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường trước đây đã từng được đưa vào Dự thảo, tuy nhiên cơ sở của việc áp thuế vẫn chưa rõ ràng, chưa thuyết phục nên đã bỏ ra. Nay lại đưa nước giải khát vào đối tượng chịu thuế TTĐB thì cần tính toán cho thật kỹ lưỡng. Nếu chưa kỹ, chưa có đầy đủ các cơ sở thuyết phục thì cần dừng lại, nghiên cứu tiếp cho đầy đủ. Việc áp thuế cần hài hòa các mục tiêu. Sức khỏe cộng đồng cần được bảo vệ nhưng cũng cần lưu ý những tác động đến các doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng liên quan khác.

Ông Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ
Ông Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết: Ngày 6/3/2025 có Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, trong đó có nội dung cần “đổi mới tư duy” trong công tác xây dựng pháp luật qua các quá trình lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, tham vấn chính sách và phản biện chính sách.
Dưới góc độ là người có nhiều năm làm công tác xây dựng pháp luật, tôi nhận thấy, VBA là một trong những Hiệp hội đã phát huy tốt vai trò, tổ chức các hội thảo phản biện chính sách rất tốt nhưng vẫn chưa được tiếp thu. Có lẽ cần có đối thoại với các nhà xây dựng pháp luật. Cần đánh giá liệu đánh thuế cao thế này thì có đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe hay không, có ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động hay không? Nếu chính sách ban hành ra không hài hòa sẽ dẫn đến người lao động mất việc, đói kém. Cần quan tâm đến đời sống người lao động. Để pháp luật khi ban hành đi vào cuộc sống thì trước hết cần đưa “cuộc sống” vào quá trình xây dựng “pháp luật”. Điều này cho thấy tính thực tiễn rất quan trọng. Các ý kiến này cần được tập hợp lại để gửi đến các nhà hoạch định chính sách. Những dự án luật lớn, có tác động đến các doanh nghiệp như thế này như này chắc chắn cần phải xem xét rất kỹ lưỡng (lưu tâm tới ý kiến các đại biểu quốc hội, chuyên gia, phản biện, tham vấn, đối tượng chịu tác động v.v) trước khi trình Quốc hội bấm nút.

TS Dương Đình Giám – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Với góc nhìn là đơn vị bảo vệ người tiêu dùng, TS Dương Đình Giám – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Chưa làm rõ được thủ phạm TCBP có phải là nước giải khát có đường. Mục tiêu đánh thuế là hạn chế tiêu dùng, có giảm được TCBP hay không. Góc độ người tiêu dùng, nếu chỉ tập trung vào giảm nước giải khát có đường mà không quan tâm đến việc tiếp tục tiêu dùng các sản phẩm có đường khác thì sẽ không đảm bảo mục tiêu giảm TCBP. Sử dụng NGK có đường là nhu cầu có thật, đặc biệt là khu vực nông thôn. Mục tiêu cuối cùng giảm TCBP từ việc áp thuế nước giải khát có đường e là không đạt được. Kiến nghị VBA phối hợp các DN có thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn. Việc Chính phủ xem xét áp thuế TTĐB nhằm tăng ngân sách nhà nước, điều tiết hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân là cần thiết, nhưng Chính phủ cần có nghiên cứu và đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện, có lộ trình phù hợp, tránh tạo cú sốc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và tránh các tác động không tốt tới người tiêu dùng, xã hội.
Việt Nam là đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nhu cầu giải khát của người dân là rất lớn. Trong đó, một phần đáng kể là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa… nhu cầu sử dụng các thực phẩm ngọt khá phổ biến. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Họ sẽ chuyển sang sử dụng các mặt hàng đồ uống pha chế thủ công, không rõ nguồn gốc, không kiểm soát lượng đường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là không đạt.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA phát biểu tại Tọa đàm
Kết luận buổi Tọa đàm, Lãnh đạo VBA cho rằng, chính sách thuế cần dựa trên luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn. Hiệp hội VBA và ngành đồ uống luôn ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ngành mong muốn được quan tâm của các cơ quan Nhà nước để làm sao Luật khi ban hành đi vào cuộc sống, có tác dụng bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ được cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau phát triển trong điều kiện khó khăn, bảo vệ người lao động, công ăn việc làm. Kiến nghị xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn trong điều kiện thực tế của Việt Nam để giúp cho doanh nghiệp, người dân và cũng là để đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước.
Với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng, ít nhất 8% trở lên trong năm 2025, để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, các doanh nghiệp với vai trò là động lực quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, rất cần các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, từ đó tạo nguồn thu ngân sách ổn định và lâu dài.
Ánh Dương