Việc ban hành Luật Phòng bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng là cần thiết và được đồng thuận. Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo Luật, đặc biệt liên quan đến việc thành lập quỹ Phòng bệnh dựa trên khoản đóng góp bắt buộc từ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu “các mặt hàng không có lợi cho sức khỏe”, đang khiến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội VBA, bày tỏ nhiều băn khoăn, lo ngại về tính minh bạch, nhất quán và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Khái niệm chưa rõ ràng, dễ dẫn tới lạm dụng trong thực thi
Một trong những vấn đề nổi bật được Hiệp hội VBA chỉ ra trong Công văn số 47/CV-VBA về tham gia góp ý xây dựng Dự thảo Luật Phòng bệnh là thuật ngữ “các mặt hàng không có lợi cho sức khỏe” – đối tượng chính dự kiến bị áp đặt khoản đóng góp bắt buộc để hình thành quỹ Phòng bệnh. Theo Hiệp hội, khái niệm này hiện chưa được định nghĩa rõ ràng trong dự luật.
Trên thực tế, ranh giới giữa sản phẩm “có lợi” hay “không có lợi” cho sức khỏe phụ thuộc rất lớn vào cách sử dụng, liều lượng và bối cảnh tiêu dùng. Ngay cả những sản phẩm vốn được xem là có lợi, như nước, vitamin, khoáng chất, nếu lạm dụng hoặc sử dụng sai cách, đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Trong khi đó, các sản phẩm như rượu vang, bia, nếu tiêu dùng ở mức độ hợp lý có thể đem lại lợi ích nhất định đối với sức khỏe tim mạch, tuần hoàn.
Việc thiếu quy định chi tiết, minh bạch về đối tượng sản phẩm sẽ dẫn tới rủi ro lạm quyền trong thực thi, hoặc gây ra tâm lý bất an cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hợp pháp. VBA nhấn mạnh, rà soát Tờ trình và hồ sơ Dự thảo hiện nay cho thấy, có khả năng “bia, rượu, thuốc lá, nước giải khát” sẽ là nhóm hàng hóa chịu điều chỉnh, song nội dung luật lại không xác định danh mục rõ ràng, cụ thể.
Đề xuất thành lập quỹ phòng bệnh thiếu nhất quán, chưa có cơ sở thuyết phục
Theo văn bản góp ý, Hiệp hội VBA bày tỏ quan ngại sâu sắc về đề xuất thành lập quỹ Phòng bệnh với khoản đóng góp bắt buộc từ doanh nghiệp.
Cụ thể, trong hồ sơ ngày 15/12/2023 gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự thảo ban đầu từng quy định Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng được thành lập dựa trên tổ chức lại Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, đến ngày 26/5/2025, hồ sơ Dự thảo công bố lấy ý kiến công khai lại đưa ra Phương án 2 tại Điều 42.3.c: thành lập quỹ từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm “không có lợi cho sức khỏe” (không bao gồm thuốc lá), tính theo lộ trình tăng dần từ 1% lên 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hiệp hội VBA nhận định, việc liên tục thay đổi tên gọi, nguồn hình thành quỹ và cách thức vận hành cho thấy đề xuất còn thiếu nhất quán, chưa có căn cứ khoa học, chưa có đánh giá tác động đầy đủ và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Đặc biệt, quy định “…khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng thuế tiêu thụ đặc biệt” về bản chất như một loại thuế bổ sung. Nhưng thay vì ban hành thông qua hệ thống luật thuế, quy định này lại được lồng ghép trong Luật Phòng bệnh, tiềm ẩn nguy cơ chồng chéo pháp luật, thiếu minh bạch và không tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước.
Trích dẫn Báo cáo số 609/BC-CP của Chính phủ về tình hình các quỹ tài chính ngoài ngân sách, VBA nhấn mạnh rằng đến cuối năm 2024, số dư nguồn các quỹ vẫn tương đối lớn. Hoạt động nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách trong giai đoạn 2020–2023 còn “nhiều bất cập, hạn chế”, theo kết quả kiểm toán. Do đó, việc tiếp tục thành lập thêm một quỹ mới dựa trên nguồn thu từ doanh nghiệp, khi chưa có cơ chế giám sát minh bạch, sẽ đi ngược chủ trương tinh gọn bộ máy, hạn chế chồng lấn và trùng lặp quỹ, cũng như chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.
Hiệp hội VBA cũng nhắc lại tiền lệ Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từng đề xuất thành lập quỹ phòng chống tác hại rượu bia, nhưng cuối cùng phải loại bỏ vì không có cơ sở pháp lý và thực tiễn đủ thuyết phục.
Tác động tài chính nghiêm trọng: “Thuế chồng thuế”, “khó chồng khó”
Một nội dung quan trọng khác trong kiến nghị là việc đề xuất khoản đóng góp bắt buộc diễn ra đồng thời với lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đã được Quốc hội thông qua.
Cụ thể, giai đoạn 2027–2031, thuế tiêu thụ đặc biệt áp lên sản phẩm đồ uống sẽ tăng liên tục mỗi năm 5%. Nếu tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp đóng thêm 1–2% “phí phòng bệnh” trích theo giá tính thuế, tổng gánh nặng tài chính dồn lên doanh nghiệp sẽ rất lớn, đẩy chi phí sản xuất kinh doanh lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước so với hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc.
Hiệp hội nhấn mạnh, ngành đồ uống vốn đang phải chống chọi hàng loạt khó khăn sau đại dịch và bất ổn kinh tế toàn cầu: sức mua của người dân giảm do thu nhập sụt giảm, chi phí vận chuyển, nguyên liệu, bao bì đều tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Cùng với đó là yêu cầu ngày càng lớn về đầu tư hạ tầng xanh, chuyển đổi năng lượng tái tạo, báo cáo minh bạch về môi trường – xã hội – quản trị (ESG).
Do vậy, nếu tiếp tục siết thêm gánh nặng tài chính, các doanh nghiệp sản xuất hợp pháp sẽ càng thêm khó khăn, trong khi hàng lậu, hàng kém chất lượng có thể tràn vào thị trường, gây thất thu thuế và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Kiến nghị đảm bảo quyền tham gia, thẩm định, đối thoại minh bạch
Trên cơ sở những phân tích nêu trên, Hiệp hội VBA kiến nghị Bộ Tư pháp:
Làm rõ khái niệm “mặt hàng không có lợi cho sức khỏe” và ban hành danh mục sản phẩm cụ thể, hạn chế tùy tiện áp dụng trong thực thi; Đảm bảo đánh giá tác động toàn diện, công khai, có tham vấn đầy đủ các đối tượng chịu tác động trực tiếp; Xem xét kỹ lưỡng tính cần thiết và cơ chế vận hành của quỹ Phòng bệnh để tránh chồng chéo, thiếu minh bạch, xung đột với Luật Ngân sách nhà nước và các luật thuế hiện hành. Tạo điều kiện cho Hiệp hội VBA và các hiệp hội ngành nghề được tham gia thẩm định dự thảo luật, đóng góp ý kiến chính thức, đảm bảo tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe.
Hiệp hội VBA khẳng định quan điểm ủng hộ các chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhưng đề nghị xây dựng cơ chế thực thi hợp lý, dựa trên nguyên tắc minh bạch, công bằng và khả thi. Đặc biệt, việc đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, tuân thủ pháp luật, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, chính là yếu tố then chốt để duy trì nguồn thu bền vững cho ngân sách và góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả và cân bằng.
CHI TIẾT: TẠI ĐÂY
Thanh Nga