
Nghị định mới, áp lực mới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết: “Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP, trong đó có quy định hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. Chính sách này được kỳ vọng góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, hiện đại hóa quản lý thuế và thúc đẩy chuyển đổi số”.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, để đánh giá chính xác mức độ sẵn sàng cũng như những vướng mắc mà các hộ kinh doanh gặp phải, thời gian qua VCCI đã tiến hành một cuộc khảo sát trên gần 1.400 hộ kinh doanh ở nhiều tỉnh thành. Kết quả cho thấy, 94% hộ kinh doanh đã nghe đến Nghị định 70, song chỉ 11% thực sự hiểu rõ nghĩa vụ thuế của mình. Đáng chú ý, 51% chưa từng được tiếp cận hay hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế”.
Theo khảo sát của VCCI, hộ kinh doanh đang gặp phải nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thực hiện quy định mới. Cụ thể: 73% cho biết thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ, không đủ khả năng tự thao tác thiết bị hay sử dụng phần mềm hóa đơn; 53% lo ngại thủ tục phức tạp, quy trình rườm rà, mất thời gian; 49% gặp rào cản khi thay đổi thói quen kinh doanh cũ, vốn chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt và ghi chép thủ công; 37% thiếu thời gian và vốn đầu tư thiết bị, trong khi hoạt động kinh doanh thường nhỏ lẻ, thu nhập không ổn định.
Lo lắng không chỉ nằm ở nghĩa vụ thuế tăng, mà còn đến từ việc không biết bắt đầu từ đâu, không có ai hướng dẫn cụ thể. Nhiều hộ phản ánh rằng việc chuyển đổi mã số thuế cá nhân, xử lý lỗi phần mềm, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế... đang là thách thức vượt ngoài khả năng tự xử lý của họ.
Tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI, trình bày báo cáo đánh giá tác động của quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, nêu rõ: “Không thể phủ nhận đây là chính sách hiện đại, minh bạch, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Nhưng với hộ kinh doanh – lực lượng kinh tế chiếm số lượng lớn nhưng phân tán, đa dạng và trình độ công nghệ còn thấp – việc chuyển đổi cần một lộ trình linh hoạt, phân tầng theo quy mô và mức độ sẵn sàng”.

Toàn cảnh Hội thảo
Theo ông Thạch, các nhóm khó khăn nhất hiện nay là hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, ngành nghề truyền thống ít tiếp cận công nghệ. Nhóm nghiên cứu đề xuất ba giải pháp trọng tâm: Truyền thông đúng đối tượng, đúng phương thức: Cần sử dụng tài liệu trực quan (video, infographic, sổ tay minh họa...), tăng cường truyền thông cơ sở để hộ kinh doanh dễ tiếp cận; Đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ: Tổ chức tập huấn miễn phí, cử cán bộ “cầm tay chỉ việc” giai đoạn đầu; thiết lập tổng đài hỗ trợ 24/7. Đặc biệt, chính sách giai đoạn chuyển tiếp rõ ràng: Miễn truy thu, miễn xử phạt chênh lệch thuế trong thời gian đầu áp dụng để tạo tâm lý yên tâm cho hộ kinh doanh.
Kiến nghị từ hiệp hội ngành hàng và hộ kinh doanh
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng VBA cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền là xu hướng tất yếu, nhưng để triển khai hiệu quả cần đảm bảo các nguyên tắc:
“Thứ nhất, cần triển khai theo lộ trình phân tầng, ưu tiên hộ kinh doanh lớn ở đô thị. Thứ hai, đào tạo tại chỗ, tăng truyền thông cơ sở, đơn giản hóa hướng dẫn. Thứ ba, nên thí điểm tại một số địa phương, lắng nghe phản hồi, điều chỉnh trước khi nhân rộng toàn quốc. Cuối cùng, cần hướng dẫn rõ trách nhiệm kê khai trong chuỗi phân phối, tránh tình trạng đùn đẩy giữa doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và hộ kinh doanh”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng VBA phát biểu tại Hội thảo
VBA cũng kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng ít nhất 6–12 tháng cho các nhóm hộ nhỏ, hộ ở vùng sâu vùng xa, đồng thời đề nghị cơ quan thuế sớm ban hành văn bản khẳng định không truy thu chênh lệch thuế trong giai đoạn chuyển đổi, tạo sự yên tâm cho hộ kinh doanh khi kê khai doanh thu thực tế.
Khẳng định việc thu thuế là cần thiết và sẵn sàng tuân thủ quy định của Nhà nước, tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều hộ kinh doanh cũng nêu rõ nhiều lo ngại cụ thể liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Một số hộ cho biết còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xuất hóa đơn, chuyển đổi mã số thuế sang định danh điện tử. Đáng chú ý, nhiều ý kiến phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận hỗ trợ từ cơ quan thuế.
Từ đây, các hộ kinh doanh đề xuất cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, sát với từng mô hình hoạt động, bởi phần lớn hộ không có điều kiện để tự tra cứu, tìm hiểu các quy định pháp lý dàn trải, phức tạp. Điều mà các hộ kinh doanh mong chờ là có một cơ chế hỗ trợ thực chất trong giai đoạn đầu thực hiện về cả tài chính, thiết bị và quy trình thủ tục.
Hỗ trợ người nộp thuế trên tinh thần kiến tạo

Ông Trần Quốc Khánh - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thường trực Hội đồng tư vấn của Thủ tướng phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Trần Quốc Khánh - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thường trực Hội đồng tư vấn của Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện hoá đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế không chỉ là cuộc cách mạng của cơ quan thuế mà còn là của cả nền kinh tế, đã là cuộc cách mạng thì sẽ gây ra tác động to lớn mà đối tượng của tác động này là hộ kinh doanh.
Ông Trần Quốc Khánh khẳng định vai trò quan trọng của khối hơn 5 triệu hộ kinh doanh đã và đang tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt là mang lại sự linh hoạt cho nền kinh tế. Ông dẫn chứng, trong đại dịch Covid -19 vừa qua, các hộ kinh doanh là những người đầu tiên sử dụng phương thức bán hàng online, thể hiện sự năng động, linh hoạt. Chính nhờ khối hơn 5 triệu hộ kinh doanh này mà nền kinh tế giữ được sự năng động, nhất là trong bối cảnh có nhiều sự bất định, tính năng động là quan trọng, do đó chúng ta cần đánh giá đúng vị trí của nhóm kinh doanh này.
Không những thế, hộ kinh doanh còn đóng vai trò không thể thiếu trong việc bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống. “Nếu không có những hộ kinh doanh bán bún ốc thì món ăn này có được lưu giữ và cả các nghề thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ…”, ông Trần Quốc Khánh dẫn chứng. Do vậy, Ông đề nghị, việc triển khai hoá đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế cần được thực hiện trên tinh thần giáo dục, hỗ trợ, cảm thông, kiến tạo và không làm trầm trọng hoá vấn đề. Khi có sai sót, băn khoăn thì cần giải thích cho các hộ, giúp hộ kinh doanh an tâm cởi mở, từ đó đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó trưởng Ban Nghiệp vụ (Cục Thuế) phát biểu
Theo ông Nguyễn Đức Huy - Phó trưởng Ban Nghiệp vụ (Cục Thuế), cơ quan thuế trên toàn quốc đã tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo nhằm hỗ trợ người nộp thuế, mặc dù có thể chưa tiếp cận được tất cả hộ kinh doanh. Cơ quan thuế cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp giải pháp giảm giá thành, có nhiều giải pháp hỗ trợ, tuy nhiên cũng có thể chưa đạt được điều mà các hộ kinh doanh mong muốn.
Ông Nguyễn Đức Huy đã giải đáp những câu hỏi, thắc mắc cụ thể mà đại diện hộ kinh doanh đưa ra tại Hội thảo. Đồng thời, ông Huy cho biết, cơ quan thuế đang tiếp tục xây dựng, tham mưu với cơ quan cấp trên các chính sách hỗ trợ dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) theo hướng đơn giản các thủ tục, đơn cử như gợi ý khai thuế, tương tự như gợi ý thực hiện quyết toán thuế cá nhân đang triển khai hiệu quả trên ứng dụng eTax Mobile.
“Quan điểm của cơ quan thuế là luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ vướng mắc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính thuế”, ông Nguyễn Đức Huy khẳng định.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, hộ kinh doanh là lực lượng quan trọng, linh hoạt và năng động của nền kinh tế nhưng cũng rất dễ tổn thương trước thay đổi chính sách. Đa phần hộ kinh doanh thuộc nhóm nhỏ lẻ, hoạt động trong các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ với nguồn lực hạn chế và trình độ công nghệ thấp. “Nếu không có hỗ trợ kịp thời, nhóm này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân, đồng thời làm suy giảm tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp chính thức. Hỗ trợ họ không chỉ giúp duy trì sinh kế, mà còn tạo động lực hiện thực hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Được biết, VCCI sẽ tổng hợp ý kiến, kiến nghị báo cáo Chính phủ nhằm góp phần hoàn thiện chính sách và tháo gỡ các rào cản đang cản trở quá trình chuyển đổi số đối với các hộ kinh doanh.