Những ngày gần đây, một số nội dung của Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi liên quan đến ngành đồ uống tiếp tục được các cơ quan báo chí đề cập. Đáng chú ý, nội dung Phiên thảo luận về dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khoá XV, đang nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nội dung bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế.

Toàn cảnh phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) (Ảnh: Quochoi.vn)
Cụ thể, trên Báo Thanh Niên có bài “'Bánh kẹo lượng đường còn cao hơn, sao chỉ đánh thuế nước giải khát?” ('Bánh kẹo lượng đường còn cao hơn, sao chỉ đánh thuế nước giải khát?') cho biết, việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn là vấn đề còn ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận về dự án luật vào sáng 9/5. Nhiều đại biểu cho rằng, việc áp thuế với nước giải khát có đường là chưa phù hợp và đề xuất có lộ trình đánh thuế với mức thấp hơn, hoặc chưa đánh thuế với mặt hàng nước giải khát có đường.

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam (Ảnh: Quochoi.vn)
Bài viết cũng trích dẫn ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng, việc áp mức thuế 10% với nước có đường hàm lượng trên 5g/100 ml là chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn. Đồng thời, đề xuất loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung nhằm tránh đánh thuế nhầm lên ngành nông nghiệp. Cũng theo bài viết này, nhiều đại biểu cũng đề nghị áp dụng lộ trình với mức thuế thấp hơn, có thể từ 3% sau đó lên 5%, đồng thời tính toán áp các mức thuế khác nhau theo lượng đường trong sản phẩm. Đáng chú ý, bài viết còn trích dẫn ý kiến của đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đặt câu hỏi: "Thực tế, nhiều sản phẩm có thể có đường cao hơn tại sao không đánh thuế như bánh kẹo và các mặt hàng khác?".

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá (Ảnh: Quochoi.vn)
Cũng phản ánh thông tin về cuộc họp đại biểu Quốc hội sáng 9/5, Báo Lao động có bài “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi còn gây nhiều tranh cãi” (Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi còn gây nhiều tranh cãi). Theo bài viết này, tại phần thảo luận, có nhiều nội dung trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát (NGK) có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB” với thuế suất 10%, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này. Ý kiến của một số chuyên gia và các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc áp thuế TTĐB như tại Dự thảo chưa đảm bảo đạt được mục tiêu về “ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì”, chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng. Đồng thời, chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường.
Bài viết này cũng cho biết, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội lo ngại bối cảnh hiện nay, chúng ta tìm mọi cách để kích cầu tiêu dùng nội địa, đang giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp, nếu tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB như đối với NGK có đường sẽ khiến các doanh nghiệp càng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức có thể ảnh hưởng tới các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre (Ảnh: Quochoi.vn)
Vẫn trên Báo Lao Động ngày 9/5 có bài “Áp thuế nước giải khát có đường không phải đũa thần điều chỉnh tiêu dùng” (Áp thuế nước giải khát có đường không phải đũa thần điều chỉnh tiêu dùng). Đây cũng là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho rằng: "Quy định áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường không phải là chiếc đũa thần để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân", mà cần có sự tuyên truyền, giáo dục định hướng tiêu dùng. Không chỉ vậy, Đại biểu lưu ý, các loại nước có lượng đường cao đang được bày bán tràn lan ở vỉa hè, đường phố, bán rong, nhưng lại không bị ảnh hưởng bởi loại thuế này; rất cần có biện pháp quản lý.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, nước giải khát có đường không phải nguyên nhân duy nhất có lỗi trong việc làm thừa cân, béo phì. Bởi nguyên nhân chính của việc này là do sử dụng nó quá mức, lạm dụng nhiều. Do vậy, nguyên nhân ở đâu thì phải khắc phục ở đó chứ không chỉ có đánh thuế TTĐB. Cần tập trung cao nhất cho công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng mới là biện pháp căn cơ, hiệu quả như việc "bốc thuốc phải đúng bệnh". Đáng chú ý, bài viết cũng trích dẫn ý kiến cho rằng, việc áp thuế đối với mặt hàng mới cần có lộ trình chuẩn bị dài hơi, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn và gánh nặng về thuế, phí. Đặc biệt, Mỹ đang có động thái áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Nga Nguyễn