Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đóng góp ý kiến vào việc điều chỉnh thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu, bia, đề xuất xem xét lộ trình hợp lý, đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước, hài hòa lợi ích sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách. Các đại biểu cũng cho rằng, hiện chưa có cơ sở khoa học để chứng minh nước giải khát có đường với tỷ lệ trên 5g/100ml là nguyên nhân chính gây ra béo phì và bệnh tật.

Quang cảnh Hội nghị
Áp thuế TTĐB cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện
Đóng góp ý kiến về điều chỉnh thuế TTĐB đối với ngành bia, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Đà Nẵng nêu quan điểm: Việc áp thuế cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện, đặc biệt là trên 3 khía cạnh về việc làm, thu ngân sách địa phương, thu ngân sách Nhà nước nói chung và sức khỏe người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Đà Nẵng
Về tác động của việc áp thuế TTĐB với ngành bia đến việc làm, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, ngành bia hiện nay đang tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên cả nước, từ người nông dân trồng nguyên liệu, nhà máy sản xuất đến hệ thống vận chuyển, phân phối và bán lẻ. Việc tăng thuế đột ngột, mạnh tay như đề xuất như hiện nay sẽ khiến giá bia hợp pháp tăng cao, kéo theo sự sụt giảm tiêu thụ và doanh thu, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Theo một nghiên cứu độc lập, thu nhập của người lao động có thể giảm đến gần 4.600 tỷ đồng mỗi năm nếu thuế tăng như đề xuất. Điều này đe dọa đến sinh kế của hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phụ thuộc rất nhiều vào ngành đồ uống.

Về thu ngân sách địa phương, ngành bia hiện nay đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước bao gồm thuế TTĐB, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh thì các nguồn thu này sẽ bị suy giảm đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách trung ương mà còn trực tiếp tác động đến thu ngân sách của các địa phương có nhà máy bia, nơi mà nguồn thu này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đầu tư phát triển hạ tầng y tế, giáo dục tại địa phương và trong bối cảnh là phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu là 8% trong năm 2025. Do vậy, việc điều chỉnh thuế cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không tạo ra áp lực cho nguồn thu.
Về sức khỏe cộng đồng, theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, chính sách thuế phải góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc tăng thuế quá nhanh, quá cao có thể gây tác động ngược. Giá bia hợp pháp tăng đột biến sẽ đẩy người tiêu dùng, nhất là nhóm thu nhập thấp chuyển sang các sản phẩm không chính thức, không kiểm soát được chất lượng “bia cỏ” hoặc bia nhập lậu. Điều này đã được một số tổ chức nghiên cứu có danh tiếng chứng minh. Qua báo cáo nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, nhiều mẫu bia đã bị phát hiện chứa hàm lượng methanol vượt ngưỡng, gây nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Việc này không những phá vỡ những mục tiêu ban đầu là bảo vệ sức khỏe mà còn làm gia tăng thị phần bia bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách, làm méo mó thị trường. Chính sách thuế nếu không được thiết kế trên cơ sở khoa học, không có đánh giá tác động đầy đủ và thiếu sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp sẽ dẫn đến hệ lụy ngoài mong muốn.
Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá tác động toàn diện, minh bạch, có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu độc lập, đặc biệt là xem xét tác động đến việc làm và thu ngân sách địa phương. Xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, có độ trễ tối thiểu 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thời gian thích nghi. Nghiên cứu áp dụng phương pháp đánh thuế dựa trên hàm lượng cồn thay vì đánh thuế đánh đồng theo giá trị sản phẩm. Điều này phù hợp với xu hướng quốc tế, vừa công bằng, vừa góp phần định hướng tiêu dùng có trách nhiệm.
Tăng thuế liệu có thay đổi hành vi tiêu dùng?
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục áp dụng thuế suất 65% đối với bia trong khoảng 2 năm và tăng thuế từ năm 2027 hoặc năm 2028 bắt đầu tăng lên 70%, lộ trình tăng 5%/năm. Có ý kiến đề nghị thống nhất một mức thuế đối với rượu, không chia theo nồng độ cồn và cũng áp thuế suất như đối với bia.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Trị
Để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, cấn áp dụng phương án 1 của dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng có thời gian thích nghi với việc tăng thuế mới; đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước và điều tiết tiêu dùng, hướng tới mục đích hài hòa lợi ích sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách cho Nhà nước trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) lại băn khoăn: “Dự thảo Luật đưa ra phương án từ 2026 - 2030 sẽ tăng 5% với sản phẩm rượu, bia và tăng mỗi năm 1.000 đồng/bao thuốc lá. Liệu phương án này có làm cho người tiêu dùng thay đổi hành vi không? Hay người tiêu dùng lại thấy mức thay đổi này không đáng bao nhiêu, nên cứ dùng đều”.
Cho rằng cách thức đánh thuế tăng đều theo hằng năm không phải mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng, mà có thể khiến người tiêu dùng dần dần thích nghi. Do đó, ông Cường đề nghị bỏ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đều hằng năm và tăng một đợt nhưng với mức cao, sau đó có thể vài năm tăng một lần. Đồng thời, trước khi áp thuế TTĐB với mặt hàng bia, dành riêng năm 2026 để tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng. Sau đó sẽ áp dụng tính thuế từ năm 2027.
Việc thay đổi hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm thuốc lá, rượu bia đối với người Việt Nam hầu như không bị tác động nhiều nếu như chỉ tăng giá đơn thuần. Trước đây, chúng ta cũng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia nhưng mức độ tiêu dùng giảm không đáng kể, cho đến khi có Nghị định 100/2019/NĐ – CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt.
Chưa có sở sở khoa học để chứng minh nước giải khát có đường gây ra béo phì và chính sách cần thực sự công bằng với các ngành hàng
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, chưa có cơ sở khoa học để chứng minh nước giải khát có đường với tỷ lệ trên 5g/100ml là nguyên nhân chính gây ra béo phì và bệnh tật. Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, dù thuế TTĐB đã áp cho nước giải khát có đường và sản lượng tiêu thụ đã giảm nhưng béo phì vẫn không được cải thiện.

Ông Thắng nhận định: "Người dân vẫn có thể tiêu thụ đường từ nhiều nguồn khác như bánh kẹo, đồ ăn chế biến sẵn. Việc chỉ đánh thuế một nhóm sản phẩm là chưa thực sự công bằng."
Có đại biểu cho rằng, cần phân loại rõ ràng giữa các sản phẩm có đường vì không phải các loại nước giải khát có đường đều có tác động tiêu cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, đối với nước giải khát có đường cần có ý kiến thêm của các cơ quan chuyên môn chứ không phải chỉ lấy ý kiến của cơ quan tư vấn hoặc tham vấn ý kiến. Vấn đề này cần khẳng định cho có tính thuyết phục, khi đưa ra Đại biểu Quốc hội chúng ta thấy cần thiết và cũng xem mối tương quan giữa nước giải khát và các sản phẩm có đường khác để có tính thuyết phục hơn khi đưa ra luật này tạo được sự đồng thuận và nhất trí cao. Tóm lại, các đại biểu đều nhất trí đối tượng cần thiết, lộ trình cần phù hợp, mức độ đảm bảo được quyền lợi của điều chỉnh hành vi nhưng đồng thời điều chỉnh được vấn đề không ảnh hưởng đến ngân sách, điều chỉnh đến hoạt động của doanh nghiệp và tính thuyết phục. Vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt thường là vấn đề hết sức nhạy cảm và liên quan, cho nên chúng ta phải có lộ trình.
Nguyễn Anh