Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, Dự thảo thuế TTĐB đối với ngành đồ uống tác động tới các ngành sản xuất, sức cầu và hành vi tiêu dùng.
Chính sách áp thuế TTĐB lên NGK có đường không bảo đảm đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì. Nhu cầu sử dụng NGK có đường thấp nhất trong các sản phẩm đồ uống & thực phẩm có đường khác. Bộ Tài chính đề xuất chỉ áp thuế TTĐB đối với NGK có đường mà bỏ qua các sản phẩm đồ uống có đường khác được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng nhiều hơn.
Tỷ lệ TCPB ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn (26,8% và 18,3%). Tuy nhiên, tỷ lệ tần suất sử dụng NGK có đường trung bình trên 1 sản phẩm/ngày của đối tượng khảo sát đến từ nông thôn cao hơn thành thị.
Phần lớn người tiêu dùng trẻ chưa nhận thức được rằng hàm lượng đường trong các sản phẩm nước ép, sản phẩm từ cacao, sữa và thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng còn cao hơn nước giải khát có đường. Ngược lại có thể khiến người tiêu dùng hướng tới việc chọn lựa các sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường và calo cao hơn.
“Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và cần nhiều sự hỗ trợ, việc áp thuế TTĐB với các kịch bản cao và áp dụng ngay sẽ tác động mạnh đến ngành đồ uống và đến toàn bộ nền kinh tế” - ông Việt nói.
Hơn nữa, việc đánh thuế TTĐB lên NGK có đường có thể tăng nguy cơ lựa chọn đồ uống thay thế không nguồn gốc, nhãn mác. Theo khảo sát về thói quen chọn lựa nước uống của người tiêu dùng (Decision Lab, 2018), nếu đánh thuế 10% thì sẽ có 49% người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm thay thế là nước uống chế biến tại chỗ có đường. Trong số hơn 20% người tiêu dùng lựa chọn thay đổi hành vi tiêu dùng khi áp dụng mức thuế suất 10%, trên 13% lựa chọn sang các sản phẩm đồ̀ uống thủ công thay thế. Do vậy, việc bổ sung NGK có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ có thể tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống thay thế không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, vốn rất phổ biến trên thị trường và có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB.