Sáng 18/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt” với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội, các đối tượng chịu tác động trực tiếp, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia.

Quang cảnh Hội thảo
Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Đây là một sắc thuế có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, trong đó có ngành rượu, bia, nước giải khát. Cơ quan soạn thảo hiện đang đề xuất 2 phương án đối với rượu, bia, trong đó có phương án tăng cao và liên tục đạt tới 100% cho tới năm 2030 (theo Phương án 2).

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký VCCI phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, đây là cơ hội để các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cùng phân tích, cung cấp thông tin cụ thể, đa chiều cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan để từ đó góp phần xây dựng chính sách thuế TTĐB phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý nhà nước để các giải pháp, hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành tới các doanh nghiệp, người dân đi vào thực chất. Đồng thời tối ưu các giải pháp giúp thúc đẩy các động lực tăng trưởng từ các thể chế, trong đó có chính sách thuế TTĐB.
Cần khoan thư sức dân
Chia sẻ bức tranh kinh tế toàn cầu và những tác động tới Việt Nam, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, kinh tế thế giới dự báo tăng 2,7%, mức tạm ổn, thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid - 19. Lo ngại xung đột địa chính trị phức tạp trên thế giới, chiến tranh thương mại – công nghệ, phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng. Lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao; Đà phục hồi chậm lại ở một số nước (Mỹ, Trung Quốc…), kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2025-2026 ở mức khiêm tốn; Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh chuỗi cung ứng và an ninh mạng luôn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường. Ông Cấn Văn Lực nhận định, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (chiến tranh thương mại– công nghệ; chi phí đầu vào và logistics tăng ở mức cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững; yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao).

TS Cấn Văn Lực phân tích tình hình kinh tế Việt Nam và các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 và giai đoạn tiếp theo có những khó khăn và thuận lợi
Về việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tăng thuế càng nhanh, càng cao; giảm tổng hòa lợi ích đối với ngành và nền kinh tế càng lớn dẫn đến giảm tổng cầu tiêu dùng và đầu tư. Thêm nữa, tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách Nhà nước lâu dài; tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, nhà hàng ăn uống, v.v).
PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, đặc thù ngành đồ uống có cồn, ngoài việc chịu các hạn chế từ các luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại v.v và đặc biệt là Nghị định 100/168 v.v, đã và đang ảnh hưởng rất mạnh tới tiêu dùng rượu, bia trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm tới gần 63% lượng rượu tiêu thụ, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống. Những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, đặc biệt là dịp Tết, ngành đồ uống đã ghi nhận sự sụt giảm do nhu cầu giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu…

PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA chia sẻ những vấn đề thực tiễn trong hoạt động của doanh nghiệp ngành bia rượu, nước giải khát, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
“Một trong những mục tiêu cụ thể để giúp tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước (thông qua chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành chế biến chế tạo và tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ). Trong khi đó, một trong những mục tiêu của thuế TTĐB là giảm tiêu dùng trong bối cảnh ngành vừa mới có dấu hiệu hồi phục sẽ gây cản trở, mất đi động lực “đẩy mạnh tiêu dùng” để đạt của mục tiêu tăng trưởng”, PGS.TS Nguyễn Văn Việt quan ngại.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO), đại diện SABECO phát biểu
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO), đại diện Tổng công ty Cổ Phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) chia sẻ, doanh nghiệp luôn ủng hộ và tuân thủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, nỗ lực nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về uống bia có trách nhiệm. Toàn ngành bia nói chung và SABECO nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19, Nghị định 100/168, du lịch, ẩm thực giảm sút v.v và sẽ tiếp tục còn khó khăn hơn trong thời gian tới.

Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao HEINEKEN phát biểu
Đồng quan điểm, bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam cho rằng, cần có những chính sách phù hợp để tránh cái bẫy “kép”, xuất khẩu thì khó khăn mà thị trường trong nước thì không đạt được tốc độ tăng trưởng mong đợi trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, bất ổn và trong nước hiện nay còn nhiều khó khăn thách thức.
Bà Trần Ngọc Ánh lo ngại về những tác động của đề xuất tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia theo hai phương án tăng cao, sốc, liên tục trong thời gian tới. Các tác động bao gồm tác động về kinh tế (giảm tăng trưởng GDP, việc làm, thu nhập người lao động v.v) và tác động hành vi người tiêu dùng khi mà theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen, sản lượng bia không chính thống hay còn gọi là “bia cỏ” trên cả nước năm 2023 đã tăng 28% so với năm 2022. Riêng năm 2024, sản lượng dòng bia này đã tăng 71% trên quy mô cả nước. Về thị phần, năm 2024, dòng bia này cũng tăng từ 4,2% lên 5,8%. Đáng chú ý, tại Đồng bằng sông Cửu Long, dòng bia này hiện nay đang chiếm tổng số 8% thị phần, với giá bán thấp hơn bia chính thống khoảng 25-35%, thu hút mạnh nhóm tiêu dùng nhạy cảm về giá.
Tăng thuế cao đột ngột có thể gây tác dụng ngược
Tại Hội thảo, bà Huỳnh Thị Thanh Trúc, đại diện Tiểu ban Rượu vang - Rượu mạnh thuộc EUROCHAM cho biết, với đề xuất tăng thuế TTĐB như hiện tại có thể vô hình trung tạo ra “cơ hội” cho các sản phẩm không chính thống phát triển, vì người tiêu dùng ham giá rẻ sẽ chuyển sang mua và sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, sản phẩm đồ uống có cồn không chính thống chiếm 63% tổng lượng tiêu thụ.
Xét về động lực tăng trưởng liên quan đến đầu tư, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) phân tích, những thay đổi trong chính sách thương mại của một số thị trường xuất khẩu lớn có thể dẫn đến những chuyển dịch đầu tư ra khỏi những thị trường có rủi ro cao về thuế. Những thay đổi về chính sách thuế như tăng thuế suất cao hay bổ sung các mặt hàng mới vào diện chịu thuế TTĐB sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
VBA cũng chia sẻ ngành đồ uống là một ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn từ các công ty đa quốc gia của các nước phát triển khu vực châu Âu, châu Mỹ bằng các cam kết đầu tư đem theo công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp bia, cùng các phương pháp quản lý sản xuất, kinh doanh tiên tiến để sản xuất các mặt hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đề xuất tăng thuế TTĐB như hiện nay có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh nghiệp và Pháp chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát lo ngại áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường không đạt được mục tiêu đề ra là giảm thừa cân béo phì ở trẻ em
Đối với mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh nghiệp và Pháp chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, hiện nay trẻ em vùng cao đang thiếu thốn và không có cơ hội thưởng thức các sản phẩm nước giải khát. Những người có điều kiện để sử dụng nước giải khát có đường có thể tự điều chỉnh hành vi tiêu dùng nên việc đánh thuế TTĐB để điều chỉnh hành vi là không cần thiết. Việc đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ làm tăng giá bán. Những người không có nguy cơ thừa cân béo phì như trẻ em vùng cao, người nghèo lại phải trả một loại thuế để ngăn ngừa bệnh mà mình không có nguy cơ mắc. Do vậy, việc đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, theo “Đánh giá tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành hàng bia tới hành vi người tiêu dùng”, thực hiện bởi Công ty NielsenIQ, cho thấy khi giá tăng cao người tiêu dùng có xu hướng chuyển đổi sang sản phẩm bất hợp pháp, rủi ro sức khỏe, thất thu thuế và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.
Cân nhắc điều chỉnh chính sách thuế TTĐB hợp lý
Trong bối cảnh Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, với những mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ 8% năm 2025 và hai con số trong giai đoạn tiếp theo 2026-2030, để các giải pháp, hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành tới các doanh nghiệp, người dân đi vào thực chất, đồng thời tối ưu các giải pháp giúp thúc đẩy các động lực tăng trưởng từ các thể chế, trong đó có chính sách thuế TTĐB, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị việc lùi thời hạn hiệu lực tới năm 2028 và áp dụng tăng thuế theo Phương án 1 sẽ giúp khoan thư sức doanh nghiệp, hỗ trợ để hồi phục và góp phần tăng trưởng kinh tế, tránh “khó chồng khó” để “nuôi dưỡng nguồn thu”.

Các hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp ngành đồ uống đồng loạt kiến nghị lùi hiệu lực và giãn lộ trình thực hiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt
VBA kiến nghị, đối với sản phẩm rượu, bia: Lùi hiệu lực đến năm 2028; Áp dụng tăng thuế theo Phương án 1. Đối với sản phẩm nước giải khát có đường: Xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
TS Cấn Văn Lực đề xuất dự thảo thuế TTĐB cần hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, người nông dân trồng, chế biến nguyên liệu sản xuất, khả năng đảm bảo việc làm cho người lao động… Không nên “tận thu” mà nên nuôi dưỡng nguồn thu. Cân nhắc phương án tối ưu là giãn thực hiện từ 1/1/2028 và cân nhắc áp dụng tăng thuế theo Phương án 1 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, đổi mới công nghệ.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cũng chia sẻ, việc ban soạn thảo chọn Phương án 2 là tăng nhanh, liên tục sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại và cả dịch vụ ăn uống. Cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động, ổn định thị trường. Vấn đề rượu, bia không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mới là điều đáng lo ngại. Làm sao để chính sách thuế hài hòa, phù hợp với thực tế để vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách, vừa bảo vệ sức khỏe người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng có điều kiện để phục hồi kinh tế trước những khó khăn hiện nay.
Phân tích các khía cạnh về mục tiêu của sắc thuế TTĐB, đặc biệt là mục tiêu điều chỉnh hành vi người tiêu dùng và sức khỏe, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, Nghị định 100 và Nghị định168 đã làm giảm tiêu dùng rươu, bia. Thực tế cho thấy, chỉnh hành vi người tiêu dùng bằng biện pháp hành chính, xử phạt đã phát huy hiệu quả. Như vậy, cần xem xét các biện pháp khác chứ không phải chỉ tăng thuế. Theo tôi đây là lập luận rất hợp lý. Trước khi đề xuất thuế, cần nghiên cứu thật sâu sắc hơn nữa trên các yếu tố về tính cân bằng, tác động ngân sách, tiêu dùng, lao động v.v. Cần cân nhắc thêm về hiệu lực, hiệu quả và công bằng của sắc thuế. Ông gợi mở, ban soạn thảo có thể đưa ra nhiều phương án như phương án 3 về việc điều chỉnh thuế, chứ không chỉ 2 phương án như hiện nay. Kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội về “giãn thời gian thực hiện thuế” là rất hợp lý trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ánh Dương