
Toàn cảnh Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam”.
Những tác động tiềm ẩn
Ngày 02/4/2025 (theo giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam lên tới 46%. Dù chính sách này đang được tạm hoãn 90 ngày, nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam vẫn không khỏi lo ngại về những tác động tiềm ẩn của chính sách này đến chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, mặc dù chưa được thực thi nhưng chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đã tạo áp lực đáng kể lên các chính phủ, doanh nghiệp đa quốc gia và đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Theo đại diện VCCI thông tin, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gỗ, điện tử, dệt may... Nếu chính sách thuế đối ứng được triển khai sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ rệt. Trong hoàn cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn và đây là tình huống chưa từng có tiền lệ và rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, đây là thời điểm để Việt Nam tái định vị vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI chia sẻ tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực, trong đó nhiều mặt hàng trọng điểm của Việt Nam không nằm trong danh sách miễn trừ, trong khi các đối thủ trong khu vực lại được hưởng thuế suất thấp hơn. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, mà cả hệ sinh thái liên quan như nhà cung ứng nguyên liệu, đơn vị gia công, logistics, tài chính… cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Chi phí sản xuất tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ là những thách thức lớn cho toàn ngành.
Nhiều giải pháp ứng phó được đề xuất
Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng chung quan điểm rằng, dù chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Bàn về giải pháp chiến lược để ứng phó với chính sách thuế của Hoa Kỳ trước thực tiễn trên, Chủ tịch VCCI đưa ra một số khuyến nghị quan trọng như: Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, cần tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng sang các khu vực ít rủi ro hơn; Thứ hai, phát triển thị trường nội địa. Thị trường trong nước chính là trụ đỡ vững chắc, đặc biệt khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực sản xuất nội địa; Thứ ba, thúc đẩy hợp tác song phương với Hoa Kỳ. Việt Nam cần khẳng định vị thế là đối tác đáng tin cậy, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh – sạch, thậm chí nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ; Thứ tư, nâng cao năng lực thể chế và cơ sở hạ tầng. Cần cải thiện hệ thống logistics và chất lượng nguồn nhân lực để gia tăng khả năng cạnh tranh, sẵn sàng ứng phó với các biến động toàn cầu.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn khuyến cáo, các doanh nghiệp nên theo dõi sát các động thái chính sách của Hoa Kỳ trong 90 ngày tạm hoãn, đồng thời chủ động phối hợp, đàm phán với đối tác để tranh thủ xuất hàng sớm. Về lâu dài, ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp cần: Tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn; Tận dụng các FTA thế hệ mới; Cải tiến mô hình sản xuất theo hướng bền vững; Xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách để xây dựng chiến lược phù hợp.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí, đồng thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép – xanh hóa và số hóa – nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các yêu cầu ESG. Ông nhấn mạnh, việc đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm, dịch vụ và nguồn vốn để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ công nghệ, nhân lực đến quản trị rủi ro và minh bạch xuất xứ hàng hóa. Cuối cùng, ông khuyến khích doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore.
Ngoài ra, ông Lực đề xuất Việt Nam cần xử lý kịp thời các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, có lộ trình đàm phán hợp lý nhằm đạt mức thuế suất thấp hơn. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ công tác trong việc thực thi các cam kết đã được thống nhất, cũng như vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, cần kích cầu đầu tư – tiêu dùng trong nước để giữ vững mặt trận xuất khẩu và từng bước cơ cấu lại nền kinh tế, gia tăng nội lực, tự chủ, tự cường.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA lo ngại chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến các doanh nghiệp ngành Đồ uống.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, thực tế, ngành hàng Đồ uống Việt Nam đã thu hút sự quan tâm và đầu tư lớn từ các tập đoàn nước ngoài. Điển hình như ngành nước giải khát có các tập đoàn lớn như Coca-Cola, Suntory PepsiCo đến từ Hoa kỳ, ngành bia có Heineken từ Hà Lan, SABECO có nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Carlsberg từ Đan Mạch v.v, với vốn đầu tư hàng tỷ Euro vào thị trường Việt Nam. Ngành đồ uống đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, giá trị toàn ngành đóng góp khoảng gần 2% vào GDP từ sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng và việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng, nhà hàng, dịch vụ du lịch v.v.
Đối với chính sách thuế đối ứng của Hoa kỳ, mặc dù ngành đồ uống không chịu tác động trực tiếp như 11 ngành hàng khác nhưng cũng chịu các tác động gián tiếp, đặc biệt là tiêu dùng nội địa và đầu tư trong nước. Trong bối cảnh ngành đồ uống những năm gần đây phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ các tác động kinh tế thương mại toàn cầu và đồng thời từ các khó khăn trong nước như dịch bệnh Covid - 19, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn như Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100, Nghị định 168 v.v. và đang chịu áp lực trước dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi với các đề xuất tăng sốc đối với mặt hàng đồ uống có cồn và bổ sung mặt hàng mới là nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Bà Chu Thị Vân Anh cho biết, VBA cũng đã gửi nhiều kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành với mong muốn các nhà hoạch định chính sách có thể rà soát, phân tích kỹ các tác động một cách đa chiều, toàn diện, đồng thời xem xét lại lộ trình tăng thuế phù hợp đối với mặt hàng rượu bia, chưa nên bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi duy trì sự ổn định, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra.
Nga Nguyễn