Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm rất lớn của chuyên gia, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo tham vấn vào ngày 18/3/2025 tại Hà Nội.
Trên cơ sở ý kiến góp ý các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia từ Hội thảo, VCCI gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội báo cáo tóm tắt các nội dung chính, trong đó có liên quan tới sản phẩm đồ uống.

VCCI tổ chức Hội thảo Tham vấn hoàn thiện Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 18/3/2025 nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp
Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tăng trưởng chậm lại (dự báo 2,7% giai đoạn 2025-2026), bất ổn địa chính trị, chi phí đầu vào tăng cao và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% vào 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo, đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách tài khóa và tiền tệ.
Việc tăng thuế TTĐB có thể mang lại nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm lợi nhuận doanh nghiệp và hạn chế đầu tư dài hạn. Theo Báo cáo nghiên cứu dự thảo tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia được thực hiện bởi 3 Viện (Viện Nghiên cứu Chiến lược và chính sách Công Thương – Bộ Công Thương, Viện nghiên cứu Đồ uống Việt Nam và nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM và Tổng cục Thống kê) việc tăng thuế TTĐB theo 2 phương án của cơ quan soạn thảo có thể làm sụt giảm GDP lần lượt là 14.276 tỷ đồng, tương đương 0,0354% (PA1) và 322.525 tỷ đồng, tương đương 0,08% (PA2), thu nhập người lao động giảm khoảng 3.422 – 4.585 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 – 2030.
Ngoài ra, tăng thuế TTĐB đột ngột có thể tạo ra những tác động ngoài mong muốn như kích thích buôn lậu, sản xuất phi chính thức và giảm thu ngân sách. Rượu bất hợp pháp hiện đang chiếm tới khoảng 63% tổng lượng tiêu thụ rượu và có khả năng tăng lên nếu tăng thuế TTĐB.
Việc tăng thuế TTĐB đối với bia, rượu có thể làm gia tăng chênh lệch giá giữa các sản phẩm hợp pháp và hàng nhập lậu, khiến người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm không được kiểm soát chất lượng, gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Báo cáo nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của NielsenIQ (tháng 3/2025) tại hội thảo cho thấy, khi giá bia tăng, người tiêu dùng nông thôn có xu hướng chuyển sang rượu tự nấu hoặc bia không chính thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát hiện đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước (NSNN) (trong đó thuế TTĐB là khoảng 40.000 tỷ đồng), chiếm 3,2% tổng thu ngân sách. Việc tăng thuế quá cao có thể dẫn đến giảm sản lượng tiêu thụ hợp pháp, kéo theo giảm thu thuế. Theo Báo cáo của 3 Viện nói trên, đối với mặt hàng bia, với hai phương án đề xuất trong dự thảo, nguồn thu NSNN từ thuế gián thu tăng 6.469 tỷ đồng và 8.559 tỷ đồng nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp lại giảm tương ứng 1.320 tỷ đồng và 1.752 tỷ đồng.
Kinh nghiệm quốc tế, Thái Lan điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với các mặt hàng đồ uống có cồn nhằm thúc đẩy ngành du lịch. Trung Quốc áp thuế TTĐB thấp đối với rượu, bia hợp pháp để duy trì nguồn thu và kiểm soát đồ uống có cồn bất hợp pháp.
Trên cơ sở phân tích và kinh nghiệm quốc tế, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị áp dụng lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý thay vì tăng đột ngột. Đối với mặt hàng rượu, bia kiến nghị bắt đầu áp dụng từ năm 2028 và áp dụng tăng thuế mỗi năm 5% theo phương án 1.
Đối với nước giải khát có đường, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TVCN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB do chưa đủ các bằng chứng, cơ sở khoa học, nghiên cứu, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì.
Ngoài ra, tăng cường kiểm soát buôn lậu và hàng giả, kết hợp chính sách thuế với các biện pháp chống gian lận thương mại để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Việc điều chỉnh thuế TTĐB cần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì môi trường kinh doanh ổn định. VCCI mong muốn Quốc hội cân nhắc các đề xuất để đảm bảo chính sách thuế mang lại hiệu quả toàn diện, tránh tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chi tiết: Tại đây
Anh Nguyễn