Trước đó, ngày 27/6/2025, Hiệp hội VBA đã nhận được Công văn số 3827/BTP-CLKHPL về việc cung cấp các thông tin phản ánh khó khăn vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất phương án xử lý. Sau khi tổng hợp ý kiến từ các hội viên, VBA phản ánh chi tiết những vướng mắc do các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật và giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
“Áp lực kép” lên ngành nước giải khát có đường
Một trong những vướng mắc nổi bật là sự thiếu nhất quán trong chính sách thuế đối với nước giải khát có đường. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi vào ngày 14/6/2025, bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào danh mục chịu thuế TTĐB từ ngày 01/01/2027, với thuế suất khởi điểm là 8%.
Tuy nhiên sau đó, ngày 17/6/2025, Quốc hội lại thông qua Nghị quyết 204/2025/QH15 về giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), nhưng lại trừ nhóm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Tiếp đó, ngày 30/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 174/2025/NĐ-CP, trong đó Phụ lục II quy định chi tiết các mặt hàng không được giảm trừ thuế GTGT 2% từ 01/01/2026 đến 31/12/2026, bao gồm cả nước giải khát có đường.
VBA lập luận rằng việc loại bỏ mặt hàng nước giải khát có đường khỏi đối tượng được giảm thuế GTGT 2% ngay từ ngày 01/01/2026 là chưa hợp lý, bởi tại thời điểm đó, mặt hàng này chưa phải chịu thuế TTĐB mà chỉ bắt đầu chịu thuế từ 01/01/2027. Điều này tạo ra “áp lực kép” cho các doanh nghiệp nước giải khát, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sức mua giảm sút và chi phí sản xuất tăng cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng chỉ tiêu tiêu dùng đã giảm mạnh từ 11% (năm 2022) xuống còn 6,7% (năm 2023) và chỉ đạt 2,9% (năm 2024). Trong bối cảnh sức mua suy giảm mạnh, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, các doanh nghiệp NGK còn gặp khó khăn do chi phí nguyên liệu, bao bì, vận chuyển tăng cao, tồn kho lớn do xuất khẩu sụt giảm, làm giảm khả năng quay vòng vốn. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động để duy trì hoạt động.
Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, tham mưu Chính phủ để mặt hàng nước giải khát có đường được tiếp tục hưởng chính sách giảm thuế GTGT 2% cho đến hết ngày 31/12/2026, đúng theo tinh thần Nghị quyết 204/2025/QH15.
Mâu thuẫn trong quy định về tái sử dụng nước thải công nghiệp
VBA cũng chỉ ra sự bất cập trong Khoản 6 Điều 74 Nghị định 05/2025/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP) liên quan đến việc tái sử dụng nước thải để tưới cây. Mặc dù quy định này mở ra hướng tiếp cận linh hoạt cho doanh nghiệp, nhưng lại bị ràng buộc bởi Khoản 3 Điều 74, yêu cầu nước thải tái sử dụng phải “đáp ứng quy chuẩn chuyên ngành phù hợp với mục đích sử dụng nước”.
Trong khi đó, hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nào áp dụng cho việc tái sử dụng nước thải công nghiệp để tưới cây hoặc các mục đích khác. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dù đáp ứng các điều kiện tại Khoản 6 nhưng vẫn không thể triển khai tái sử dụng nước thải do thiếu quy chuẩn kỹ thuật phù hợp, gây lãng phí nguồn nước đã qua xử lý.
VBA kiến nghị cần có giải pháp dài hạn là xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tái sử dụng nước thải công nghiệp cho nhiều mục đích khác nhau, đồng thời đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm xử lý vấn đề này.
Khó khăn từ quy định ghi nhãn thực phẩm
Thông tư 29/2023/TT-BYT hướng dẫn ghi dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm cũng gây ra nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là ngành đồ uống có cồn. Thông tư này quy định bắt buộc ghi 5 thành phần dinh dưỡng (năng lượng, chất đạm, carbohydrate, chất béo, natri). Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn, vốn đã thực hiện ghi nhãn theo thông lệ quốc tế (thường chỉ công bố năng lượng và carbohydrate), giờ đây phải tuân thủ đầy đủ 5 thành phần. Điều này không chỉ mâu thuẫn với thông lệ quốc tế (EU, Hoa Kỳ, Codex Alimentarius) mà còn gây khó khăn về kỹ thuật và thương mại.
Nhiều nhà máy bia cỡ vừa và nhỏ không có thiết bị đo natri, phải gửi mẫu đi kiểm nghiệm, phát sinh chi phí. Diện tích nhãn trên chai/lon 330ml vốn đã hạn chế, việc thêm 2-3 dòng thông tin buộc cỡ chữ nhỏ lại, giảm khả năng đọc. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in nhãn riêng theo chuẩn quốc tế và in song song hai bộ nhãn cho thị trường nội địa nếu quy định này được áp dụng cứng nhắc, làm tăng tồn kho vật tư và rủi ro nhầm lẫn. Quy định này cũng được cho là tạo ra rào cản thương mại, ảnh hưởng đến các cam kết RCEP, CPTPP về hài hòa tiêu chuẩn.
VBA đề xuất Bộ Y tế xem xét ban hành hướng dẫn linh hoạt trong trường hợp ghi nhãn tự nguyện, cho phép lựa chọn khai báo một phần các thành phần dinh dưỡng mang tính đặc thù của sản phẩm (như năng lượng, carbohydrate). Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị bổ sung phương án trình bày phù hợp với thực tế ngành, cho phép khai báo thành phần dinh dưỡng qua mã QR hoặc bảng “Serving Facts”/“Nutrition Facts” dạng rút gọn đối với bao bì có diện tích hạn chế.
Thẩm quyền quyết định thành lập chi nhánh và vấn đề nghiệm thu PCCC
Công văn của VBA cũng chỉ ra sự bất cập trong Luật Doanh nghiệp về thẩm quyền quyết định thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện. Hiện tại, điểm i khoản 2 Điều 55 Luật Doanh nghiệp quy định Hội đồng thành viên có quyền quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện. Tuy nhiên, VBA cho rằng việc thành lập/chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện không yêu cầu đầu tư vốn và không ảnh hưởng đến các yếu tố tài chính quan trọng như công ty con. Do đó, thẩm quyền này nên thuộc về người đứng đầu điều hành doanh nghiệp (Giám đốc/Tổng Giám đốc), thay vì yêu cầu họp Hội đồng thành viên, vốn tốn kém chi phí, thời gian và nhân lực.
Kiến nghị sửa đổi điểm i khoản 2 Điều 55 Luật Doanh nghiệp, bỏ chữ “chi nhanh, văn phòng đại diện”. Bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 và điểm b khoản 2 Điều 66, nhằm loại trừ yêu cầu nộp bản sao quyết định thành lập của Hội đồng thành viên trong hồ sơ đăng ký hoạt động và hồ sơ đăng ký chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện. Thay vào đó, cho phép người đứng đầu điều hành doanh nghiệp tự quyết định các nội dung này.
Bên cạnh đó, VBA cũng phản ánh sự thiếu rõ ràng trong quy định về nghiệm thu từng phần công trình phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nghị định 136/2020/NĐ-CP cho phép nghiệm thu từng phần, nhưng không làm rõ tiêu chí “đủ điều kiện vận hành độc lập”, dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các địa phương. Mặc dù Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2024 đã chính thức thừa nhận nguyên tắc nghiệm thu từng phần, nhưng Nghị định 105/2025/NĐ-CP thay thế Nghị định 136/2020/NĐ-CP lại không quy định cụ thể nội dung này, gây khó khăn cho các dự án triển khai theo giai đoạn.
VBA đề nghị cơ quan chức năng (Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Văn phòng Chính phủ) ban hành văn bản hướng dẫn hoặc giải thích pháp luật, làm rõ tiêu chí xác định phần công trình “đủ điều kiện vận hành độc lập” để đảm bảo áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đồng thời bổ sung quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về nghiệm thu từng phần đối với các dự án phân kỳ đầu tư hoặc có lý do chính đáng chưa thể hoàn thiện toàn bộ công trình.
Vướng mắc về địa chỉ trên nhãn hàng hóa sau sắp xếp đơn vị hành chính
Việc triển khai Nghị quyết 202/2025/QH15 của Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của các tỉnh, thành phố cũng gây vướng mắc cho doanh nghiệp về cách ghi địa chỉ trên nhãn hàng hóa. Doanh nghiệp không rõ nên tiếp tục sử dụng địa chỉ theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện hành (chưa kịp điều chỉnh theo địa giới mới) hay phải áp dụng ngay địa chỉ theo đơn vị hành chính mới.
VBA lo ngại rằng việc thay đổi địa chỉ trên nhãn hàng hóa khi chưa cập nhật giấy phép có thể gây khó khăn trong việc cung cấp tài liệu hợp lệ và không đảm bảo sự thống nhất. Đối với các nhãn hàng hóa đã được in trước khi hoàn tất thủ tục điều chỉnh địa chỉ, doanh nghiệp cũng chưa rõ có được tiếp tục sử dụng hay không, đặc biệt khi lượng bao bì tồn kho lớn có thể phát sinh chi phí đáng kể nếu bị yêu cầu tiêu hủy.
Để đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất và tránh lãng phí, VBA đề nghị Bộ Khoa học & Công nghệ, Văn phòng Chính phủ cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng thông tin địa chỉ cơ sở sản xuất như đã ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện hành cho đến khi hoàn tất thủ tục điều chỉnh địa chỉ theo địa giới hành chính mới. Đồng thời, đề nghị áp dụng quy định chuyển tiếp tương tự khoản 2 Điều 24 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, cho phép các nhãn hàng hóa, bao bì đã in được tiếp tục sử dụng.
Quy định về hóa đơn, chứng từ
Nghị định 70/225/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ cập nhật đến nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên. Các quy định đó tác động lớn đến các chủ thể kinh doanh, trong đó có hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và nhận được sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh, bởi lẽ hộ kinh doanh là một mắt xích quan trọng của thị trường và có vai trò ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất.
Khảo sát trên gần 1.400 hộ kinh doanh trên toàn quốc của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, phần lớn hộ kinh doanh đã biết đến Nghị định 70 nhưng hiểu biết còn rất hạn chế hoặc đang cần hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế địa phương. Vướng mắc lớn nhất là mảng kinh phí, nhiều hộ kinh doanh có biên lợi nhuận thấp, trong khi việc kê khai và nộp đồng thời thuế VAT và thuế TNDN trên doanh thu gộp, cộng với chi phí đầu tư phần mềm và thiết bị hóa đơn điện tử, gây áp lực rất lớn lên hoạt động kinh doanh. Kết quả là 63% số hộ khảo sát đã phải thu hẹp quy mô, 21% tạm ngừng kinh doanh (đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và tạp hóa), 11% chuyển đổi loại hình và 3% đã phải đóng cửa hoàn toàn.
VBA kiến nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn chính thức khẳng định không truy thu thuế đối với giai đoạn trước khi chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế trên doanh thu. Đồng thời, cần thiết lập giai đoạn chuyển tiếp tối thiểu 01 năm, trong đó không áp dụng xử phạt đối với các lỗi kê khai hóa đơn điện tử, miễn, giảm thuế trong 1-2 năm đầu thực hiện và xây dựng hệ thống hóa đơn, sổ sách đơn giản phù hợp với quy mô của hộ kinh doanh.
Hơn nữa, việc triển khai áp dụng cũng cần theo lộ trình, ưu tiên áp dụng trước với các hộ lớn ở đô thị, sau đó mới mở rộng sang hộ nhỏ ở nông thôn, đồng thời tăng cường truyền thông, đào tạo và lấy ý kiến các bên liên quan trong quá trình hoàn thiện chính sách. Các hỗ trợ về kỹ thuật như cung cấp miễn phí phần mềm hóa đơn và thiết lập đường dây nóng hướng dẫn kỹ thuật cần tiếp tục được triển khai và tăng cường nhằm thúc đẩy và đảm bảo tính tuân thủ với các quy định mới trong giai đoạn ban đầu, hạn chế đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất.
Những phản ánh và kiến nghị từ Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam rất mong nhận được sự quan tâm của Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp và phản ánh tới các cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.
CHI TIẾT: TẠI ĐÂY