Thức uống đường phố với giá thành rẻ, màu sắc bắt mắt, đang tạo nên “cơn sốt” hấp dẫn trong giới trẻ. Rõ ràng những thức uống này rất đa dạng, phong phú nhưng chúng ta khó lòng biết được thành phần và chất lượng ra sao.
Sôi động đồ uống đường phố
Trước xu thế ưa chuộng sự tiện lợi, nhanh chóng, việc đặt đồ ăn, đồ uống online hay mua một ly nước “take away” để giải khát là thói quen lâu nay của nhiều người, nhất là tại khu vực thành phố. Với giới trẻ thì xu hướng này càng trở nên phổ biến vì phù hợp với thế hệ công nghệ số, thích sự mới lạ, độc đáo. Nhiều mô hình bán nước vỉa hè đã xuất hiện với đa dạng các loại đồ uống mới như trà chanh khổ qua, cà phê muối, bơ già dừa non, trà mãng cầu, trà sữa bí đỏ, trà sữa hành lá, nước mía sầu riêng…

Nước giải khát vỉa hè ngày càng phổ biến và được nhiều người yêu thích.
Dễ dàng mua được các loại đồ uống này tại khu vực gần trường học, khu vui chơi thu hút người trẻ. Chỉ cần một quầy pha chế với dụng cụ thô sơ, chỗ ngồi có thể là bàn, ghế hoặc chỉ có vài chiếc ghế kê sát vỉa hè, nhiều nơi chỉ bán mang đi không có chỗ ngồi nhưng vẫn rất hút khách.
Dạo qua một số tuyến đường xung quanh Hồ Tây (Hà Nội), Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy), Lò Đúc (Hai Bà Trưng)… không khó để tìm thấy một quán nước vỉa hè thu hút rất đông khách hàng là những người trẻ. Theo thói quen, nhiều người lựa chọn ăn, uống tại các quán lề đường vì sự tiện lợi, giá thành rẻ, bắt “trend”. Tại đây bán rất nhiều loại đồ uống màu sắc bắt mắt, có hương vị thơm ngon, đa dạng, luôn được đổi mới trong thành phần. Nhiều bạn trẻ chạy theo trào lưu ẩm thực đường phố, chấp nhận đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ chỉ để chờ mua 1 cốc nước “hot trend” vì tò mò, muốn thử đồ uống mới.
Ngồi uống nước cùng bạn tại phố Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy), bạn Lê Thanh (sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) nhận xét: Con phố này là điểm hẹn lý tưởng vào mỗi buổi tối vì có nhiều xe lưu động bán nước uống, đồ ăn nhanh tiện lợi và hợp túi tiền sinh viên. Do chi phí đầu tư thấp, không phải thuê địa điểm bán hàng nên giá đồ uống tại các quán vỉa hè khá bình dân, phù hợp với sở thích của học sinh, sinh viên. Cụ thể, cà phê muối có giá từ 15 đến 17 nghìn đồng/cốc; bơ già dừa non từ 25-30 nghìn đồng/cốc, sữa ngô từ 10 đến 20 nghìn đồng/chai, trà sữa đủ loại dao động từ 20 đến 25 nghìn đồng/cốc…
Nhiều nỗi lo…
Bên cạnh một bộ phận người trẻ có xu hướng quan tâm đến thực phẩm tốt cho sức khỏe thì vẫn còn rất nhiều người trẻ ăn uống tùy tiện, không quan tâm chất lượng, ăn uống theo sở thích. Theo quan sát, đồ uống vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Bởi những quán nước vỉa hè thường nằm ngay lề đường, đồ pha chế không được che chắn không tránh khỏi bụi bẩn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, các thực khách thưởng thức những thức uống ngon mát ngay tại vỉa hè đồng nghĩa với việc hít luôn khói bụi, nhất là vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện lưu thông trên đường.

Giới trẻ chọn đồ uống vỉa hè vì có không gian thoáng đãng, tự do ngắm phố phường và trò chuyện.
Vì là nước uống tự pha chế, không có công thức nên thành phần pha chế cũng không được quản lý và kiểm định nguồn gốc. Để thu lợi nhuận cao, người bán có thể sử dụng các loại bột trôi nổi giá rẻ để pha nước hoặc dùng đường hóa học thay cho đường thông thường. Lượng đường nếu không được kiểm soát sẽ rất nguy hại tới sức khỏe. Vì không có định lượng, không có tiêu chuẩn nên chất lượng trong từng cốc nước không giống nhau. Những đồ uống này thường có vị ngọt. Bởi đồ uống có vị ngọt thường hấp dẫn hơn, dễ uống hơn là các loại có vị đắng, chua, phù hợp với khẩu vị của nhiều người hơn. Do vậy, người bán sẽ tập trung đánh trúng tâm lý khách hàng với mục đích thu lợi nhuận. Mặt khác, thành phần không thể thiếu cho các loại thức uống giải khát này là rất nhiều đá nên càng phải tăng độ ngọt hơn.

Không biết lý do gì mà những đồ uống đường phố tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tới sức khỏe con người nhưng lại rất hút khách? Người tiêu dùng đang thiếu thông tin hay thờ ơ với sức khỏe?
Để hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Tài chính đã đưa ra Dự thảo bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Có nhiều ý kiến quan ngại khó đạt được mục tiêu thay đổi hành vi người dùng. Bởi lẽ, trên thực tế, các loại đồ uống vỉa hè đang rất phổ biến, được ưa chuộng trên thị trường. Điều này vô hình trung sẽ làm tăng giá sản phẩm nước ngọt chính thống, trong khi các đồ uống không rõ xuất xứ lại có cơ hội bùng nổ hơn.