Trong xã hội hiện đại, khi đời sống ngày càng được nâng cao, vấn đề sức khỏe lại trở thành mối quan tâm cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều bệnh lý không lây như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao đang có xu hướng gia tăng, và béo phì được xem là một trong những yếu tố nền tảng dẫn đến các nguy cơ đó.
Từ nhu cầu hiểu rõ và phòng tránh, không ít người đã tìm cách “điểm danh” những nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, thay vì tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, một số ý kiến lại cho rằng một vài loại thực phẩm hay đồ uống nhất định, dẫn đến cái nhìn phiến diện và thiếu cơ sở khoa học. Trên thực tế, béo phì là hệ quả của nhiều yếu tố kết hợp – từ chế độ dinh dưỡng, vận động, cho tới lối sống và môi trường xã hội. Hiểu đúng bản chất sẽ giúp mỗi người có những lựa chọn sáng suốt hơn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Béo phì là hệ quả của nhiều yếu tố tác động cùng lúc
Thừa cân – béo phì không phải là vấn đề chỉ bắt nguồn từ một sản phẩm hay thực phẩm cụ thể nào. Nguyên nhân cốt lõi của béo phì là sự mất cân bằng kéo dài giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Cơ thể chúng ta cần năng lượng từ thực phẩm để hoạt động. Tuy nhiên, khi năng lượng hấp thụ vượt quá nhu cầu sử dụng, phần dư thừa sẽ được tích trữ lại dưới dạng mỡ. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ tăng cân và dần dẫn đến béo phì.

Những nguyên nhân gây thừa cân béo phì tại Việt Nam
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự mất cân bằng này. Chế độ ăn uống thiếu kiểm soát là yếu tố đầu tiên. Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng, dầu mỡ, đường tinh luyện mà thiếu rau xanh, chất xơ sẽ dẫn đến việc cơ thể không thể tiêu hóa và sử dụng hết lượng năng lượng này. Bên cạnh đó, thiếu vận động thể chất cũng là một yếu tố ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong các đô thị, nơi nhịp sống nhanh khiến con người dành phần lớn thời gian trong ngày để ngồi – trước máy tính, trước vô lăng, trước màn hình điện thoại. Ngoài ra, căng thẳng, mất ngủ, rối loạn nội tiết tố, di truyền và các bệnh lý nền cũng là những nguyên nhân góp phần làm tăng nguy cơ béo phì. Những yếu tố này tương tác phức tạp, làm cho việc phòng ngừa trở nên khó khăn nếu không nhìn nhận một cách toàn diện.
Thiếu vận động – “thủ phạm thầm lặng” trong xã hội hiện đại
Trong khi chế độ ăn uống thường xuyên bị mang ra “mổ xẻ” trong các chiến dịch truyền thông phòng chống béo phì, thì yếu tố vận động lại chưa được nhấn mạnh đúng mức, dù thực tế cho thấy đây là một trong những nguyên nhân sâu xa và phổ biến nhất. Xã hội ngày càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc con người di chuyển ít hơn. Những công việc lao động tay chân dần được thay thế bằng máy móc. Phần lớn chúng ta dành 8–12 tiếng mỗi ngày ngồi một chỗ, từ làm việc đến giải trí, khiến cơ thể rơi vào tình trạng “ngủ đông” năng lượng. Cơ bắp không hoạt động, tim mạch không được kích thích, quá trình chuyển hóa chậm lại – tất cả tạo thành nền tảng cho sự tích mỡ, tăng cân và béo phì.
Thêm vào đó, nhịp sống hiện đại khiến người lớn lười vận động, trẻ em chơi game nhiều hơn ra ngoài chơi, người cao tuổi ít có thói quen đi bộ hoặc tập thể dục hằng ngày. Điều này khiến tỉ lệ béo phì ngày càng tăng không chỉ ở người trưởng thành, mà cả ở trẻ em – một thực trạng đáng báo động. Tình trạng thiếu vận động kéo dài làm giảm khả năng tiêu hao năng lượng của cơ thể, dẫn đến việc tích tụ mỡ thừa, làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý.
Đồ uống có đường chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng năng lượng nạp vào
Có thể nói, việc sử dụng nước giải khát có đường – cũng như bất kỳ loại thực phẩm nào – cần được điều chỉnh trong khẩu phần hợp lý. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, nước giải khát có đường chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể. Ví dụ, một lon nước ngọt thông thường chứa khoảng 130–150 kcal, tương đương một bát cơm nhỏ hoặc một miếng bánh mì. Nếu tiêu thụ một lon nước ngọt nhưng sau đó cơ thể vận động đủ để tiêu hao năng lượng, thì hoàn toàn không gây tích mỡ. Vấn đề không nằm ở một loại thực phẩm đơn lẻ, mà ở cách chúng ta tích lũy năng lượng liên tục mà không tiêu hao tương xứng.
Nhiều loại thực phẩm khác như bánh kẹo, thức ăn nhanh, đồ chiên rán… cũng chứa lượng năng lượng cao. Chính vì vậy, chúng ta cần có một nhận thức đúng đắn về lượng năng lượng tổng thể mà cơ thể tiêu thụ hàng ngày, thay vì chỉ chú trọng vào từng loại thực phẩm hay đồ uống cụ thể.
Giải pháp phòng ngừa béo phì: Chủ động từ chính mỗi cá nhân
Để giảm thiểu nguy cơ thừa cân – béo phì, cần sự thay đổi đồng bộ từ nhận thức đến hành động, từ cá nhân đến cộng đồng. Tăng cường vận động mỗi ngày là yếu tố then chốt. Chỉ cần 30 phút vận động cường độ vừa (như đi bộ nhanh, đạp xe, chơi thể thao…) mỗi ngày, bạn đã có thể đốt cháy lượng calo dư thừa và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Hãy tận dụng những cơ hội nhỏ như đi bộ thay vì đi xe, leo thang bộ thay vì thang máy, tập vài động tác giãn cơ khi ngồi lâu. Điều này có thể giúp cơ thể duy trì mức năng lượng ổn định và ngăn ngừa sự tích tụ mỡ thừa.

Tích cực tập luyện thể thao để tiêu hao năng lượng, nâng cao sức khỏe
Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống điều độ, đa dạng thực phẩm là rất quan trọng. Không loại bỏ hoàn toàn bất kỳ nhóm thực phẩm nào. Hãy xây dựng khẩu phần ăn cân bằng giữa tinh bột, đạm, rau xanh, trái cây và chất béo lành mạnh. Giảm khẩu phần tinh bột và đường nếu ít vận động, và luôn uống đủ nước mỗi ngày. Điều này giúp cơ thể có đủ năng lượng để hoạt động mà không gây dư thừa.
Ngoài ra, đọc kỹ thông tin dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm sẽ giúp bạn hiểu rõ thành phần sản phẩm, từ đó điều chỉnh hợp lý trong chế độ ăn hàng ngày. Việc “tẩy chay” một sản phẩm không bao giờ là giải pháp lâu dài bằng việc dùng đúng cách, đúng liều lượng.
Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc cũng là yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng. Căng thẳng và mất ngủ khiến hormone chuyển hóa bị rối loạn, làm tăng cảm giác thèm ăn và giảm khả năng kiểm soát cân nặng. Hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần, tìm kiếm các hoạt động thư giãn và giữ cho cơ thể luôn được nghỉ ngơi đầy đủ.
Trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta – vì một cộng đồng khỏe mạnh
Béo phì không phải là kết quả của một thực phẩm hay thức uống đơn lẻ, mà là hệ quả của một chuỗi yếu tố tác động cùng nhau. Để phòng ngừa hiệu quả, chúng ta cần bắt đầu từ việc thay đổi lối sống, đặc biệt là trong chế độ ăn uống và vận động. Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với hoạt động thể chất đều đặn, là hai yếu tố quan trọng giúp cơ thể duy trì cân bằng năng lượng. Thay vì chỉ quy kết một chiều hay áp dụng các biện pháp loại trừ cực đoan, mỗi cá nhân cần phải có nhận thức đúng đắn và khoa học về vấn đề này.
Cùng với sự thay đổi trong lối sống cá nhân, chúng ta cũng cần một nền tảng xã hội vững mạnh với các chiến dịch giáo dục cộng đồng và những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Đó là cách để tạo ra một xã hội hiểu đúng về sức khỏe, nơi mỗi người đều là người chủ động gìn giữ sức khỏe cho chính mình và cho những người xung quanh.
Hãy hành động từ hôm nay để cùng nhau xây dựng một xã hội khỏe mạnh, phát triển bền vững, và mỗi cá nhân đều có thể sống khỏe mạnh mỗi ngày.
Lan Anh