Đồ uống không rõ nguồn gốc tràn lan cổng trường học - Nguy cơ “ngấm độc” ngay từ ghế nhà trường

03/05/2025 38 lượt xem
A A- A+

“Hết tiết là phải ra cổng trường làm ngay ly trà sữa cho mát, nước siro thì vừa rẻ vừa ngon, có 10.000 đồng thôi...” - Đó là chia sẻ rất thật của nhiều học sinh hiện nay. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những ly nước rẻ bèo đó là vô số hiểm họa cho sức khỏe, đặc biệt khi đối tượng sử dụng chủ yếu lại là học sinh - lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất.

Thực trạng đáng lo ngại khi chợ trời, hàng quán bán đồ uống ngay trước cổng trường. Chỉ cần đứng trước cổng một trường THPT, THCS, Tiểu học ở hầu hết các tỉnh thành, ta có thể dễ dàng thấy hàng xe đẩy, quán cóc bán đủ loại đồ uống “3 không”: Không nhãn mác - Không nguồn gốc - Không kiểm định.

 

Quán nước trước cổng trường học

 

Nào là trà sữa tự pha sẵn, 10.000 - 15.000 đồng/ly, nước siro màu sắc sặc sỡ, chỉ 5.000 - 10.000 đồng/ly, sữa tươi trân châu đường đen “giả”, 12.000 - 20.000 đồng/ly, nước đá bào, nước cam vắt, nước ngọt pha chế không rõ đá sạch hay bẩn. Bạn A.T học sinh lớp 9 trường THCS C.P (Vĩnh Phúc) cho biết: “Một tuần ít nhất 3 bữa em uống trà sữa quán bà N ngoài cổng trường, ngoài ra em cũng hay tụ tập bạn bè nên hầu như ngày nào em cũng uống nước giải khát từ các quán xung quanh khu vực”. Vậy điều gì khiến những loại nước giải khát vỉa hè, trà sữa “nhà làm”, hay nước pha chế không rõ nguồn gốc lại trở thành món khoái khẩu của nhiều học sinh đến thế?

Trước hết, yếu tố dễ thấy nhất chính là giá rẻ. Chỉ cần 5.000 - 10.000 đồng, thậm chí có nơi chỉ 3.000 đồng là đã có ngay một ly nước mát lạnh, đầy màu sắc. Với túi tiền của học sinh, mức giá “siêu mềm” này thực sự quá hấp dẫn. Thứ hai, các loại nước uống này thường được biến tấu với đủ hương vị lạ mắt, nhiều màu sắc sặc sỡ, thêm đủ loại topping như trân châu, thạch, pudding… cực kỳ bắt mắt và hợp gu giới trẻ.

 

 

Đặc biệt, việc uống những loại nước này không chỉ để giải khát, mà còn gắn liền với thói quen tụ tập, đi chơi cùng bạn bè sau giờ học. Nhiều bạn trẻ thừa nhận: “Cứ tan học là cả nhóm kéo nhau ra quán quen. Vừa uống, vừa tám chuyện, vui cực kỳ.” Một lý do quan trọng khác là phần lớn học sinh chưa thực sự quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Không mấy ai hỏi ly nước kia được pha bằng nguyên liệu gì, có đảm bảo hay không, miễn là ngon - rẻ - đẹp mắt là đủ. Chính sự dễ dãi và thiếu hiểu biết ấy đã vô tình tiếp tay cho những loại nước giải khát kém chất lượng tràn lan khắp vỉa hè, cổng trường.

Em N học sinh lớp 11 trường THPT ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Tụi em biết là không sạch sẽ lắm, nhưng ngon với giá cả cũng rẻ, uống hoài mà chưa sao nên tụi em cũng không quan tâm lắm.”

 

 

Thực tế, đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mà “thủ phạm” chính là những ly trà sữa, nước ngọt mua vội bên cổng trường. Điển hình vào ngày 21 và 22/09/2023, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học Cơ sở Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), 30 học sinh đã phải nhập viện với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chóng mặt sau khi uống một loại nước ngọt không rõ nguồn gốc được bán gần trường. Đến ngày 22/11/2023, tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Buôn Dù, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), 17 học sinh lớp 5 cũng đã nhập viện cấp cứu vì có dấu hiệu ngộ độc sau khi cùng nhau uống trà sữa được bán cạnh cổng trường.

Vào ngày 16/09/2024, sự việc tương tự lại tiếp tục xảy ra tại Trường THCS Tôn Đức Thắng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), khi 21 học sinh lớp 7/1 xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chóng mặt nghi do ngộ độc thực phẩm, sau khi uống trà sữa mua tại một cơ sở gần trường. Những con số biết nói ấy không chỉ dừng lại ở vài trường hợp cá biệt, mà thực sự là hồi chuông cảnh báo về thói quen tiêu dùng thiếu kiểm soát của học sinh và sự dễ dãi trong khâu kiểm tra, quản lý thực phẩm tại các khu vực xung quanh trường học.

 

 

Điều đáng lo ngại là những ly trà sữa, nước tự pha chế, hay các loại nước giải khát không rõ nguồn gốc không chỉ gây ngộ độc cấp tính trước mắt mà còn tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với sức khỏe trẻ em. Trước mắt, trẻ dễ gặp các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy cấp, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn chính là việc các loại hóa chất độc hại, phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản, hương liệu tổng hợp… trong những loại thức uống này có thể tích tụ dần trong cơ thể, âm thầm gây tổn thương gan, thận, hệ tiêu hoá.

Về lâu dài, trẻ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là ung thư. Không chỉ vậy, việc thường xuyên sử dụng các loại nước uống kém chất lượng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ, làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức đề kháng và sự phát triển toàn diện của cơ thể.

Trước thực trạng đáng báo động về đồ uống không an toàn tràn lan trước cổng trường, đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh tay, đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía để bảo vệ sức khỏe học sinh. Về phía nhà trường, cần chủ động lắp đặt biển cấm bán hàng rong trước cổng trường, đồng thời tăng cường tổ chức các buổi truyền thông, tuyên truyền cho học sinh hiểu rõ tác hại của việc sử dụng nước uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc xây dựng khu căn tin sạch sẽ, giá cả hợp lý ngay trong khuôn viên trường cũng là một cách thiết thực để hạn chế học sinh tìm đến hàng quán bên ngoài.

 

 

 Về phía gia đình, phụ huynh cần trang bị cho con em mình những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn con nhận diện đồ ăn, thức uống an toàn và khuyến khích trẻ uống nước lọc, nước ép hoa quả tự làm tại nhà, hoặc nước đóng chai có thương hiệu uy tín. Đặc biệt, về phía chính quyền và lực lượng chức năng, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thường xuyên các điểm bán hàng quanh khu vực trường học; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, gây nguy hại cho sức khỏe học sinh.

Có như vậy, môi trường học đường mới thực sự là không gian an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Một ly trà sữa giá rẻ, một cốc siro đá bào đầy màu sắc có thể làm dịu cơn khát, mang lại chút niềm vui nhất thời cho học sinh. Thế nhưng, n sau vị ngọt hấp dẫn ấy đôi khi lại là những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe, là cái giá quá đắt phải trả chỉ vì sự chủ quan, vô tư. Giữ gìn sức khỏe cho học sinh - thế hệ tương lai của đất nước - không thể chỉ trông chờ vào sự vào cuộc của nhà trường hay cơ quan quản lý. Điều quan trọng hơn cả là sự tỉnh táo, chủ động của mỗi gia đình và chính các em học sinh trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, xây dựng thói quen tiêu dùng lành mạnh để bảo vệ bản thân trước những cám dỗ ngọt ngào nhưng đầy rủi ro ấy. Thực tế cho thấy, các loại nước tự pha chế lượng đường lại cao, nguồn gốc loại đường để pha chế thì chưa biết, chỉ có chủ quán mới biết đó là loại đường gì?

 

 Khổng Thị Vân Anh

 

Trong xã hội hiện đại, khi đời sống ngày càng được nâng cao, vấn đề sức khỏe lại trở thành mối quan tâm cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều bệnh lý không lây như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao đang có xu hướng gia tăng, và béo phì được xem là một trong những yếu tố nền tảng dẫn đến các nguy cơ đó.
05/05/2025
Thức uống đường phố với giá thành rẻ, màu sắc bắt mắt, đang tạo nên “cơn sốt” hấp dẫn trong giới trẻ. Rõ ràng những thức uống này rất đa dạng, phong phú nhưng chúng ta khó lòng biết được thành phần và chất lượng ra sao.
10/03/2025
QC1 Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hồng Hà Công ty Ngân Hạnh Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội - Hưng Yên 89
® 2024 Bản quyền thuộc Tạp chí Đồ uống Việt Nam. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Đặt mua tạp chí in
Mã bảo vệ
Đặt mua