
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo nhằm cập nhật thông tin hữu ích, các xu hướng mới, các công nghệ mới, tiên tiến, đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và khu vực, đồng thời tạo cơ hội kết nối, giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy ngành Đồ uống Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA cho biết, cũng như nhiều ngành hàng khác, sau đại dịch Covid-19, ngành Đồ uống Việt Nam (rượu, bia, nước giải khát) chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ do yêu cầu khắt khe hơn từ người tiêu dùng về chất lượng, sức khỏe và môi trường. Các doanh nghiệp đang tích cực đổi mới công nghệ, tối ưu hóa sản xuất, và cải tiến bao bì thân thiện với môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cập nhật chính sách, hỗ trợ giảm chi phí và thúc đẩy các giải pháp sản xuất xanh như tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế chất thải. Luật Bảo vệ Môi trường và yêu cầu tái chế bao bì càng thúc đẩy xu hướng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Xu hướng tìm kiếm và sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tạo dựng niềm tin với các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng”, PGS.TS Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.
Triển vọng và xu hướng tiêu dùng ngành Đồ uống
Bà Chu Thị Vân Anh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA cho biết, thị trường Đồ uống toàn cầu, doanh thu dự kiến tăng từ 2.765 tỷ € năm 2024 lên 3.503 tỷ € năm 2028. Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông/Châu Phi là những khu vực có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ nước giải khát nhanh nhất.
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng toàn cầu ưu tiên các sản phẩm có bao bì bền vững, thân thiện với môi trường, chú trọng các sản phẩm tốt cho sức khỏe, ít đường, không cồn và sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa sản xuất.
Tại Việt Nam, thị trường đồ uống được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội trong 5 năm tới. Ngành Đồ uống đóng góp gần 2% vào GDP, chiếm 5,6-6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đóng góp trên 60 nghìn tỷ đồng (gần 3%) vào tổng thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư FDI và tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng.
Đây là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ dân số đông, thu nhập tăng và văn hóa ẩm thực đa dạng. Ngành bia có sự tăng trưởng sau giai đoạn khó khăn, trong đó khu vực nông thôn có mức tăng trưởng tốt. Ngành nước giải khát cũng duy trì tăng trưởng tốt, tổng tiêu thụ đạt 4,658 tỷ lít, tăng 4,8% so với năm 2023. Ngành rượu gặp nhiều thách thức do sức mua giảm và cạnh tranh từ rượu lậu, rượu giả.
Trước thực tế đó, Ngành đặt ra nhiều thách thức về xu hướng tiêu dùng mới. Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho đồ uống không thiết yếu, hướng tới xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc tự nhiên, ít calo, ít đường... Các doanh nghiệp tập trung vào phát triển bền vững, công nghệ sản xuất xanh và bao bì thân thiện với môi trường, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên.

Đại biểu tham dự Hội thảo
Ngành Đồ uống Việt Nam đang còn nhiều tiềm năng để phát triển với chuỗi cung và kênh phân phối đa dạng; nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường năng động, có độ mở và hội nhập lớn… Tuy nhiên, ngành Đồ uống đã và đang có những hạn chế từ những chính sách liên quan như Luật Thuế TTĐB; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ môi trường….
Tại Hội thảo, ông Jason Peng – Cố vấn cao cấp, chuyên gia ngành thực phẩm và đồ uống, Black Titan Beer phân tích bức tranh toàn cảnh và triển vọng tương lai của thị trường đồ uống Trung Quốc và Nhật Bản. Tại Trung Quốc, tổng sản lượng đồ uống năm 2024 tăng 7,5% so với năm trước, doanh thu ngành tăng 4,8%. Nước uống đóng chai chiếm thị phần lớn nhất (48,5%), tiếp theo là nước ngọt có ga (12,8%) và đồ uống trà, giàu protein và đồ uống chuyên biệt (30,7%). Thị trường đồ uống Trung Quốc đang chứng kiến xu hướng tăng trưởng của các sản phẩm dinh dưỡng, sức khỏe và ứng dụng công nghệ xanh, dù cũng đối mặt với thách thức về tài chính, tồn kho và chi phí nguyên liệu.
Ở Nhật Bản, năm 2023 sản xuất đồ uống tăng 2,2% so với năm trước, doanh thu tăng 7,0%. Các xu hướng chính của thị trường Nhật Bản là đổi mới sản phẩm, chú trọng sức khỏe và đa dạng hóa lựa chọn, với các sản phẩm như trà (23,7%), nước khoáng (20,8%), nước có ga (16,3%), nước uống thể thao (tăng 11,2%) và cà phê (tăng 3,4% và doanh số tăng 12,2%). Đồ uống chức năng cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ (109,7%), phản ánh sự quan tâm của người tiêu dùng Nhật Bản đến sức khỏe.

Lãnh đạo VBA và các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo
So sánh dữ liệu cho thấy, Trung Quốc có lợi thế về sản lượng và tốc độ tăng trưởng, trong khi Nhật Bản có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao hơn. Cả hai thị trường đều có sự tăng trưởng ở các nhóm sản phẩm liên quan đến sức khỏe, nhưng có sự khác biệt về sản phẩm tăng trưởng cốt lõi, với đồ uống trà và đồ uống chuyên biệt ở Trung Quốc và đồ uống cà phê và nước khoáng ở Nhật Bản.
Giải pháp công nghệ, tái chế hiện đại
Tại Hội thảo, đại diện Công ty Youngsun giới thiệu về quy trình công nghệ sản xuất vô trùng Aseptic thông minh của YoungSun, nhà sản xuất hàng đầu tại Trung Quốc trong lĩnh vực này. YoungSun đã phát triển hơn 100 dự án dây chuyền Aseptic và có khách hàng là các công ty lớn như Chi Forest và Huiyuan Group. Công nghệ Aseptic của YoungSun được phát triển dựa trên công nghệ châu Âu và sản xuất tại Trung Quốc, với khả năng sản xuất dây chuyền tốc độ cao lên đến 48.000 chai/giờ. Thiết bị của YoungSun nổi bật với độ an toàn, ổn định cao và hiệu suất sản xuất ấn tượng. Công ty cũng có kinh nghiệm phong phú trong sản xuất Aseptic cho nhiều loại đồ uống khác nhau và là đơn vị soạn thảo chính của nhiều tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật Aseptic. Ngoài ra, YoungSun còn chú trọng đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên trong thiết bị của mình.
ACERETECH giới thiệu công nghệ tái chế chai PET đạt chuẩn thực phẩm, là công ty hàng đầu trong lĩnh vực tái chế nhựa. ACERETECH nhấn mạnh sự đột phá trong quy trình tái chế, đặc biệt là khả năng loại bỏ triệt để các chất ô nhiễm và hợp chất độc hại, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của FDA và EFSA. Công ty cung cấp các hệ thống và thiết bị tái chế PET tiên tiến, bao gồm hệ thống khử độc, tạo hạt và poly ngưng tụ, cho phép biến chai PET cũ thành chai mới an toàn cho thực phẩm.
Qua Hội thảo, các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội tiếp cận với nhiều doanh nghiệp lớn cung cấp thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, tìm hiểu thêm về công nghệ, quy trình chiết Aseptic vô trùng mới nhất, công nghệ tái chế PET, giải pháp tuần hoàn tái chế PET, gioăng nắp chai không chứa PVC, có khả năng chịu nhiệt độ cao và tái chế phân huỷ giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành đồ uống.
Kim Anh