Trước yêu cầu cấp thiết của quá trình chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp đồ uống, ngày 15/4/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Công ty Cổ phần Tiết kiệm Năng lượng Bách Khoa tổ chức “Khóa đào tạo thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho lãnh đạo doanh nghiệp ngành đồ uống” nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phát biểu tại khóa đào tạo
Chương trình có sự liên kết giữa Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới, Đại học Bách khoa Hà Nội và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA). Đây là một hoạt động thiết thực trong bối cảnh ngành công nghiệp đồ uống đang đứng trước áp lực chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và phát triển bền vững.

Ông Bùi Thanh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa (ECCBK) phát biểu
Khóa đào tạo thu hút sự quan tâm của hơn 30 học viên là lãnh đạo, quản lý từ nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm đồ uống trên cả nước. Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh, chương trình không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn tạo ra một diễn đàn mở để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng chiến lược cho toàn ngành.

Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA nhấn mạnh: “Việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp ngành đồ uống tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và áp lực giảm phát thải ngày càng gia tăng...”.

Giảng viên Bùi Thanh Hùng giới thiệu nội dung về quan hệ năng lượng, môi trường và sản xuất kinh doanh, sử dụng năng lượng sạch
Ông Bùi Thanh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa (ECCBK), đồng thời là giảng viên chính của khóa học đã chỉ ra lợi ích kinh tế rõ rệt mà một chiến lược năng lượng thông minh có thể mang lại. Theo ông, doanh nghiệp có thể tiết giảm tới 20–30% chi phí vận hành nếu biết khai thác hiệu quả các công cụ quản lý và công nghệ tiết kiệm năng lượng. “Không chỉ giúp giảm chi phí, các giải pháp này còn tạo ra lợi thế cạnh tranh và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với các cam kết quốc gia về giảm phát thải tại COP26”, ông Hùng khẳng định.


Các học viên tham gia lớp học
Khóa học được thiết kế bài bản với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia giàu kinh nghiệm như ông Bùi Thanh Hùng, ông Mai Văn Huyên, bà Đào Kim Thịnh, bà Đặng Thị Thu Hà và ông Hà Quang Thịnh, tập trung vào các nội dung chính như thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam; Giới thiệu chính sách: tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề giới trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; Quan hệ năng lượng, môi trường và sản xuất kinh doanh, sử dụng năng lượng sạch; Thực trạng sử dụng năng lượng, tiềm năng trong công nghiệp ở Việt Nam và trong ngành Đồ uống; Quản lý năng lượng, hệ thống quản lý năng lượng; Tài chính cho dự án tiết kiệm năng lượng... Nội dung chương trình bao quát nhiều chủ đề thiết thực, từ giới thiệu các chính sách quốc gia về tiết kiệm năng lượng, lồng ghép yếu tố giới trong quản lý năng lượng (một điểm mới trong xây dựng chính sách hiện nay) đến phân tích mối quan hệ giữa năng lượng, môi trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giảng viên Mai Văn Huyên giới thiệu chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề giới trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng

Giảng viên Đào Kim Thịnh giới thiệu về hệ thống quản lý năng lượng
Đặc biệt, khóa học tập trung đi sâu vào thực trạng sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp đồ uống – một lĩnh vực vốn tiêu tốn nhiều điện năng cho các khâu sản xuất, bảo quản và phân phối. Thông qua việc nhận diện các điểm nghẽn và tiềm năng tiết kiệm năng lượng, các học viên có thể xây dựng chiến lược cải tiến phù hợp với mô hình doanh nghiệp của mình.

Bên cạnh các nội dung chuyên môn, khóa học còn cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý năng lượng và các công cụ đánh giá hiệu suất vận hành, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu quả toàn diện. Đáng chú ý, đại diện Ngân hàng SHB đã giới thiệu về “Quỹ chia sẻ rủi ro” thuộc Dự án Hiệu quả năng lượng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (VSUEE), một cơ chế tài chính hỗ trợ quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

Một trong những phần nội dung được đánh giá cao là báo cáo của ông Hà Quang Thịnh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành sản xuất đồ uống. Báo cáo đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể, đồng thời minh chứng cho tính khả thi và hiệu quả kinh tế thông qua các mô hình đã được triển khai thực tế. Những ví dụ sống động này mang lại nguồn cảm hứng và tính thuyết phục cao cho các học viên tham gia khóa học.

Khóa đào tạo không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp về vai trò của năng lượng trong chiến lược phát triển dài hạn. Trong kỷ nguyên mà tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành xu thế toàn cầu, việc chủ động cải thiện hiệu quả năng lượng không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để ngành Đồ uống Việt Nam khẳng định vị thế và hướng tới tương lai bền vững hơn.


Học viên nhận Giấy Chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học
Nga Nguyễn