Giống như nhiều loại mặt hàng tiêu dùng trên thị trường, bia cũng là mặt hàng được làm giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện, xử lý. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần “mạnh tay” xử lý để không gây tổn thất đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
Nghiêm trọng tình trạng bia giả, nhái
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên và Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy – Công an thành phố Hưng Yên tiến hành kiểm tra đột xuất một công ty sản xuất và kinh doanh bia tại tỉnh này. Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện công ty trên đang sản xuất bia có gắn nhãn hiệu một thương hiệu bia nổi tiếng phía Nam gồm hàng trăm chai bia thành phẩm và hàng ngàn vỏ chai. Theo xác minh, Đoàn kiểm tra phát hiện những sản phẩm trên có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Trước đó, không ít vụ việc liên quan đến sản xuất bia “giả”, có nhãn mác na ná, thậm chí gắn mác các thương hiệu có tiếng đã bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ và xử lý. Gần đây nhất, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra xét xử vụ án hình sự liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây là vụ án đầu tiên có bị cáo là pháp nhân thương mại, đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu một thương hiệu bia nổi tiếng. Theo đó, cả người đại diện công ty và pháp nhân là công ty kể trên cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226 Bộ luật Hình sự do đã thực hiện hành vi giả mạo các nhãn hiệu bia đang được bảo hộ và đủ điều kiện coi là nhãn hiệu nổi tiếng. Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên phạt công ty trên và người đại diện số tiền trị giá 3,7 tỷ đồng với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, xâm phạm nhãn hiệu Bia đã đăng ký sở hữu trí tuệ.
Trong tháng 6/2024, Đoàn công tác của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có chuyến thăm và làm việc với 9 doanh nghiệp Hội viên khu vực phía Bắc để lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc của ngành Bia hiện nay. Chia sẻ khó khăn, các doanh nghiệp đều cho biết, những năm gần đây sức mua sụt giảm nghiêm trọng do xu hướng thắt chặt chi tiêu không thiết yếu sau đại dịch COVID-19 do nền kinh tế gặp khó, thu nhập của người tiêu dùng giảm. Bên cạnh đó, những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cùng với những khó khăn do chi phí nguyên vật đầu vào tăng khiến các doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu và lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, trên thị trường xuất hiện nhiều hãng bia tư nhân giả, nhái các thương hiệu uy tín về mẫu mã, kích thước bao bì, tên sản phẩm. Các sản phẩm giả, nhái này có giá thành rất rẻ, chiết khấu cho đại lý cao dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Có thể thấy, nếu tình trạng bia giả, nhái nhãn hiệu không bị phát hiện và xử lý, sẽ có hàng trăm ngàn thùng bia nhái được đưa ra thị trường. Với bao bì na ná các sản phẩm chính hãng, người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp chính thống về lợi nhuận, mà người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng vì mất quyền lợi sử dụng hàng chính hãng. Nguy hiểm hơn là việc sử dụng phải hàng kém chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, từ đó mất lòng tin khi sử dụng sản phẩm chính hãng.
Cần “mạnh tay” xử lý
Đề cập về thực trạng hàng giả, hàng nhái, tại các hội thảo, tọa đàm, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, đối tượng làm hàng giả, hàng nhái hiện nay rất tinh vi và nghiên cứu pháp luật rất kỹ để tìm kẽ hở luồn lách. Rất nhiều sản phẩm hàng giả giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đấy, để xử lý những tranh chấp mất rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng chức năng còn bị các đối tượng kiện ngược lại.
Cũng theo Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, khi phát hiện sự việc, doanh nghiệp cần khẩn trương gửi thông tin cũng như hình ảnh liên quan đến Cục Quản lý thị trường địa phương, hoặc gửi trực tiếp đến Tổng cục Quản lý thị trường để các cơ quan chức năng vào cuộc. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp đóng thuế, mà còn vì bia là mặt hàng trọng điểm, sức mua của người dân khá cao nên nếu người dân tiếp tục sử dụng bia nhái có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng bia “giả”, nhái, tức bia kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa và hệ thần kinh, sức khỏe người tiêu dùng không được đảm bảo. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ chính doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện (đặc biệt chú trọng các kênh thương mại điện tử) để người tiêu dùng dễ tiếp cận. Các doanh nghiệp cũng cần thiết lập các kênh giám sát thị trường, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi, các sàn thương mại điện tử để đối phó có hiệu quả với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, nên mua bia (cũng như các mặt hàng khác) tại những địa chỉ quen, tin cậy, có đăng ký kinh doanh hợp pháp, có đủ điều kiện kinh doanh. Trước khi mua hàng, cần tìm hiểu thật kỹ các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả và khi mua hàng, cần đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn hàng hóa. Nhận đầy đủ các chứng từ có liên quan đến việc mua sản phẩm như hóa đơn, phiếu bảo hành. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, có thể liên hệ với nhà sản xuất, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Hiện nay, mặc dù chế tài xử phạt hiện đã tương đối đầy đủ nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, chưa khiến những đối tượng sản xuất, bán bia giả, hàng nhái phải chùn bước, do vậy cần phải có biện pháp mạnh hơn, thậm chí xử lý hình sự để hạn chế thấp nhất tình trạng hàng giả, hàng nhái...
Ninh Ninh