Cứ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số ca phải nhập viện điều trị vì ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với tình trạng ngộ độc rượu giả, rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc rượu nấu thủ công chứa methanol (cồn công nghiệp).
Nhiều vụ ngộ độc rượu
Theo báo cáo của Bộ Y tế về tình hình tổ chức khám chữa bệnh trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, trong 9 ngày nghỉ Tết, cả nước ghi nhận gần 800 lượt người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia, rượu, trong đó có gần 500 người phải nhập viện theo dõi, điều trị.

Sử dụng rượu, bia có trách nhiệm, đặc biệt trong dịp Tết, Lễ hội
Trước đó, thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu trong tình trạng nặng. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân N.C.Q. (28 tuổi, ở Nam Định) về nhà sau bữa nhậu tất niên trong tình trạng mệt mỏi, say xỉn, khó thở, được người thân đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu nhưng sức khỏe không tiến triển nên đã được chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê. Sau khi thăm khám, xét nghiệm nồng độ Methanol trong máu là 103mg/ml (gấp 5 lần chỉ số ngộ độc), các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Q. bị ngộ độc Methanol, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Mặc dù đã được cho thở máy và lọc máu liên tục nhưng vẫn hôn mê sâu, mất hết phản xạ, biến chứng xuất huyết não lớn, khó qua khỏi nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.
Trường hợp khác là một nam thanh niên 32 tuổi ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức vì uống tới hơn 1 lít rượu trắng trong bữa liên hoan cuối năm. Dù đã được điều trị tích cực nhưng sức khỏe của nam thanh niên này vẫn nguy kịch, phải lọc máu và thở máy.
Cảnh giác với các loại rượu
Liên tiếp những ca ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước gần đây cho thấy nguy cơ này vẫn hiện hữu dù các chuyên gia, phương tiện truyền thông đã nhiều lần cảnh báo. Đáng lo ngại, phần lớn bệnh nhân bị ngộ độc rượu trong độ tuổi lao động, với nhiều ca ngộ độc cấp tính dẫn tới hôn mê, toan chuyển hóa, nhiễm độc máu. Nguyên nhân ngộ độc chủ yếu do uống nhiều rượu, uống rượu có pha Methanol (cồn công nghiệp), rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, hoặc rượu ngâm các loại cỏ, cây có chứa độc tố tự nhiên. Các ca ngộ độc rượu thường ở tình trạng ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian quá dài, khiến não mất khả năng kiểm soát.

Nấu rượu thủ công ở các làng quê
Đặc biệt nguy hiểm nếu rượu chứa các chất gây ngộ độc như rượu được pha chế bằng cồn công nghiệp Methanol, khi vào người được cơ thể chuyển thành Axit Formic, là chất độc hơn Methanol nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh... Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, người dân có thể uống nhiều loại rượu khác nhau, nên càng làm quá trình chuyển hóa Methanol chậm hơn.
Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn. Các cơ quan chức năng, đặc biệt tuyến xã, phường tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu dịp Tết và lễ hội, chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không uống rượu khi không rõ loại rượu, tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Cục An toàn Thực phẩm cũng khuyến cáo, người bị ngộ độc rượu thường có các triệu chứng: Da hơi xanh hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; hạ thân nhiệt; nói không rõ, nói ngọng; nôn mửa; thở chậm, thở không đều… Khi phát hiện người có dấu hiệu ngộ độc rượu như co giật, nôn ói liên tục, bất tỉnh, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Kim Anh