Ngày 04/3, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có Công văn số 12/CV-VBA gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cung cấp thông tin và tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới. Dự thảo thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ điều chỉnh tăng cao thuế suất mặt hàng rượu, bia lên tới 100%, trong 5 năm liên tục và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (“TCVN”) với hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%.
Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã trải qua quá trình thảo luận kéo dài với nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, những điều chỉnh được đề xuất vẫn gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các mặt hàng chịu thuế. Trong đó, đề xuất tăng thuế TTĐB cao và đột ngột của Ban soạn thảo đặt ra thách thức lớn khi mức tăng chưa có tiền lệ, thiếu sự tham vấn thực chất và đầy đủ với cộng đồng doanh nghiệp và chưa được xem xét toàn diện về tác động kinh tế, xã hội cũng như hành vi tiêu dùng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành sản xuất mà còn có thể gây hệ lụy rộng hơn đến thị trường và người tiêu dùng.

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV năm 2024 vừa qua, Đại biểu Quốc hội (“ĐBQH”) chia sẻ một số ý kiến đáng lưu ý là:
Đối với ngành Bia, rượu: Các đánh giá tác động của Chính phủ liên quan về quy định thuế TTĐB chưa định lượng, chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện về những chi phí và những vấn đề khi áp dụng chính sách mới tác động đến nền kinh tế, an sinh xã hội và các đối tượng bị ảnh hưởng; Cần xem xét giảm mức tăng thuế và giảm lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây ra cú sốc về thuế, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi dần với việc tăng thuế trong thời gian tới; Băn khoăn với lộ trình tăng thuế cao trong thời gian ngắn sẽ gia tăng việc kinh doanh rượu, bia bất hợp pháp; Cân nhắc lùi thời gian thực hiện, bắt đầu 2027 hoặc 2028 và giãn lộ trình tăng v.v
Đối với ngành Nước giải khát: Dự thảo chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có đường có thể ảnh hưởng tới sức khỏe; Làm rõ cơ sở khoa học chứng minh việc sử dụng nước giải khát có đường gây ra thừa cân béo phì, tăng tỉ lệ đái tháo đường tăng huyết áp v.v; Khả năng đạt mục tiêu của chính sách đối với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân; Làm rõ tác động chính sách đến người tiêu dùng, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, vùng khó khăn, doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài; Nguy cơ chuyển sang sử dụng sản phẩm có đường khác, giá rẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; Cân nhắc thận trọng, chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường v.v

Các ý kiến của ĐBQH nói trên đã thể hiện tính trách nhiệm cao, sâu sát thực tế, đa chiều của cơ quan lập pháp cũng đồng thời phản ánh được những quan ngại, tâm tư, nguyện vọng của ngành đồ uống. Trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và hai con số giai đoạn 2026-2030, vì vậy cần tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Vì vậy, cần có những chính sách phù hợp để giúp thúc đẩy các động lực tăng trưởng thay vì cản trở.
Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp hội viên luôn ủng hộ, đồng hành và nhất quán quan điểm về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật thuế TTĐB để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như bảo vệ sức khỏe của nhân dân và tiếp tục đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng ở trung ương và địa phương.
Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp xin góp ý và đề xuất đối với Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi như sau:
- Thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nên được thực hiện từ năm 2028.
- Đối với sản phẩm rượu, bia, xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng, cụ thể là hai năm tăng 1 lần, mỗi lần không quá 5% đến 2030.
- Đối với sản phẩm nước giải khát có đường: Xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
- Cân nhắc sửa đổi Luật thuế TTĐB theo hướng luật chỉ quy định mang tính chất “khung” ổn định lâu dài như quy định mức tăng tối đa hoặc nguyên tắc thu hẹp hay mở rộng đối tượng chịu thuế và “trao quyền” cho Chính phủ xây dựng và ban hành lộ trình và việc tăng thuế suất cụ thể tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Chi tiết Công văn: TẠI ĐÂY