Sáng ngày 6/3/2025 tại Hà Nội, Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO) của Nhật Bản kết hợp với Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (SATI), Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) - trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) tổ chức “Hội thảo kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hướng tới ứng dụng những thành quả kỹ thuật tiết kiệm năng lượng Nhật Bản”.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ & Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ); Ông Chiyu Morita - Chủ nhiệm Bộ phận Lĩnh vực tiên phong, NEDO; TS. Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF); Bà Yoshiko Yurugi - Giám đốc Bộ phận Lĩnh vực tiên phong, NEDO cùng đại diện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ &Đổi mới sáng tạo cho biết, trong những năm gần đây, vấn đề tiết kiệm năng lượng đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, nhiều công nghệ tiết kiệm năng lượng đã được phát triển và triển khai với tốc độ nhanh chóng. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang thúc đẩy nhiều sáng kiến tiết kiệm năng lượng nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Quang cảnh Hội thảo
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO) sẽ tiến hành "Khảo sát về tiềm năng giới thiệu công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ASEAN", tập trung vào Việt Nam, một quốc gia có sự phát triển đặc biệt đáng chú ý trong số các nước ASEAN. Trong khuôn khổ dự án này, NEDO kết hợp cùng và Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (SATI), Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) - trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam (MOST) tổ chức “Hội thảo kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hướng tới ứng dụng những thành quả kỹ thuật tiết kiệm năng lượng Nhật Bản”.
Tại Hội thảo, đại diện nhiều công ty của Nhật Bản đã giới thiệu các công nghệ tiết kiệm năng lượng tới các công ty Việt Nam và tạo diễn đàn đối thoại giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam hướng tới việc tạo ra một dự án trình diễn quốc tế trong lĩnh vực này với sự hỗ trợ của NEDO. Có thể kể đến bài “Giới thiệu NEDO, các dự án quốc tế và xu hướng ở Việt Nam” của ông Chiyu Morita - Chủ nhiệm Bộ phận Lĩnh vực tiên phong của NEDO; bài giới thiệu “Chuyển giao và đổi mới công nghệ tại Việt Nam: Chính sách và cơ hội hợp tác” đến từ TS. Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng NATIF.
Phần giới thiệu các giải pháp/công nghệ tiết kiệm năng lượng tiên tiến của Nhật Bản, đại diện các doanh nghiệp của Nhật Bản đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến như: Hệ thống lọc chất thải môi trường thế hệ mới; Công nghệ sơn gốm cách nhiệt “GAINA”; Tái tạo Năng lượng từ Nhiệt thải; Năng lượng Bền vững vì Tương lai xanh hơn; Giới thiệu máy bơm nhiệt công nghiệp và thương mại…
Theo TS. Chử Đức Hoàng, hiện nay Việt Nam có thể coi là điểm đến hấp dẫn cho Chuyển giao Công nghệ với nền kinh tế năng động, tăng trưởng GDP trung bình trên 6%/năm trong thập kỷ qua. Theo đó, nhu cầu đổi mới công nghệ trở nên vô cùng cần thiết và các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm kiếm, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Vấn đề đổi mới công nghệ cũng nhận được sự ưu tiên của Chính phủ khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) được xác định là quốc sách hàng đầu, động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo có mục đích cung cấp thông tin tổng quan về chính sách, chương trình hỗ trợ và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, góp phần đưa KHCN & ĐMST thực sự trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Từ đó, xây dựng Việt Nam thành quốc gia có nền KHCN & ĐMST phát triển hàng đầu khu vực, đóng góp quan trọng vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Thanh Nga