Ngày 04/04/2025, Hội thảo “Kỷ niệm 03 năm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực – Kết nối và thúc đẩy hợp tác khu vực trong bối cảnh đầy biến động” đã diễn ra tại Hà Nội, đánh dấu 3 năm Hiệp định RCEP – hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới được thực thi.
Hội nghị do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức nhằm thảo luận, tìm hiểu, đánh giá những tác động của Hiệp định RCEP đối với doanh nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp để giải quyết các rào cản thương mại, cải thiện các thủ tục hải quan giúp tạo thuận lợi hóa thương mại, giới thiệu các khuôn khổ hợp tác mới về các vấn đề thương mại bền vững, và trao đổi về cơ hội và thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định RCEP.
Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Triệu Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương; Ông Jinhyeok Choi - Vụ trưởng Vụ Chính sách FTA, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc; nhiều đại biểu đến từ Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cùng đại diện nhiều doanh nghiệp 2 nước.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Triệu Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Hiệp định RCEP đã cho thấy những tác động tích cực đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và hoạt động kinh tế - thương mại của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Năm 2024, theo thống kê sơ bộ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường RCEP đạt 155,5 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2023 và tăng 17,8% so với năm 2021 (thời điểm trước khi Hiệp định RCEP có hiệu lực).

Hội thảo đánh dấu 3 năm Hiệp định RCEP được thực thi
Chương trình làm việc của Hội thảo được thiết kế với hai phiên chính. Phiên 1: “Hiện tại và Tương lai của Hiệp định RCEP”, với sự tham gia của các diễn giả đến từ Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, đã tập trung vào việc đánh giá kết quả 3 năm thực thi RCEP, những tác động cụ thể đến Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như các chính sách mà hai nước đã triển khai để tối ưu hóa lợi ích từ Hiệp định.
Tại Phiên 2: “Chiến lược thành công trong việc tận dụng RCEP” các diễn giả đến từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc và Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đi sâu vào các khía cạnh thực tiễn như quản lý xuất xứ, thủ tục hải quan, và những câu chuyện thành công từ doanh nghiệp Hàn Quốc, cùng với tiềm năng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong việc khai thác thương mại xuất khẩu.
Sau phần trình bày của các diễn giả, Hội thảo bước vào phần thảo luận. Các doanh nghiệp tham dự Hội thảo đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến quy tắc xuất xứ, cách đáp ứng quy định đối với các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, cũng như sự hợp tác trong tương lai của các thành viên Hiệp định RCEP, nhằm nâng cao khả năng tận dụng Hiệp định RCEP, đặc biệt trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc và Việt Nam... Các câu hỏi đều được các diễn giả khách mời giải đáp cụ thể, đầy đủ trong không khí trao đổi sôi nổi của Hội thảo.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp tham dự hội thảo có thêm kiến thức về các cam kết trong Hiệp định RCEP và những cơ hội, thách thức Hiệp định đặt ra cho lĩnh vực hoạt động của mình, từ đó có thể khai thác hiệu quả lợi ích do Hiệp định mang lại. Đặc biệt là trong việc tăng cường hơn nữa thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc để đạt mục tiêu đưa kinh nghiệm thương mại 02 nước đạt 150 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 theo hướng cân bằng và bền vững.
Hiệp định RCEP với các cam kết tạo ra khuôn khổ pháp lý đã góp phần nâng cao tính minh bạch của khu vực, đưa khu vực trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, Hiệp định RCEP sẽ góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại tự do, cởi mở tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước ASEAN và 05 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào tháng 11 năm 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 với 06 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 04 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Tiếp đó Hiệp định RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 01 tháng 02 năm 2022, có hiệu lực với Malaysia vào ngày 18 tháng 3 năm 2022, có hiệu lực với Indonesia vào ngày 02 tháng 01 năm 2023, và có hiệu lực với thành viên cuối cùng là Philippines từ ngày 02 tháng 6 năm 2023.
Nga Nguyễn