Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế GTGT. Theo đó, mức thuế GTGT sẽ được giảm 2% (từ 10% xuống còn 8%) cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) tiếp tục được mở rộng và kéo dài đến hết năm 2026 được kỳ vọng tạo cú hích quan trọng thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đó, tiếp tục tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn sau dịch và biến động kinh tế toàn cầu.
Theo nội dung Nghị quyết, các nhóm ngành sau sẽ tiếp tục được hưởng chính sách giảm 2% thuế GTGT là: Các mặt hàng, dịch vụ quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Thuế GTGT, trừ những nhóm đặc biệt không được áp dụng. Các ngành được bổ sung mới gồm: kinh doanh logistics, vận chuyển, dịch vụ công nghệ thông tin, một số dịch vụ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Những nhóm không thuộc diện giảm thuế là: Viễn thông; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; Kinh doanh bất động sản; Các sản phẩm kim loại, khai khoáng (trừ than); Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Các nhóm không chịu thuế GTGT nên không cần giảm: Hoạt động y tế; Dạy học, dạy nghề.
Theo Tờ trình số 206/CP ngày 16/4/2025 của Chính phủ, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa do giá bán giảm nhẹ. Tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước. Dự kiến, ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng trong thời gian áp dụng chính sách. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, còn năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế cũng tạo hiệu ứng lan tỏa giúp tăng thu từ các sắc thuế khác, thúc đẩy phục hồi kinh tế và thu hút đầu tư. Là giải pháp bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước
Chính phủ đã đề ra một số biện pháp trọng tâm để đảm bảo nguồn thu bền vững như: Tăng cường quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, nhất là với thương mại điện tử, nền tảng số; Mở rộng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong các lĩnh vực như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh xăng dầu, vàng bạc; Khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất, bất động sản, các hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Khang Vũ