Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có những kiến nghị kịp thời nhằm giúp doanh nghiệp dần dần vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng có nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả nên đã giúp ngành dần phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2024, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước. Hoạt động của VBA đạt được những kết quả quan trọng, uy tín của Hiệp hội ngày càng được nâng lên...

 

 

Ngành đồ uống là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có truyền thống, văn hóa, lịch sử lâu đời, cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội và bình ổn thị trường, gắn với đời sống của người dân Việt Nam.

 

Mỗi năm, toàn ngành đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 60 ngàn tỷ đồng và luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp. Ngành đồ uống tạo và duy trì công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong các cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng dịch vụ. Các doanh nghiệp ngành đồ uống thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý Nhà nước cũng như sự ổn định đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.

 

Năm 2024, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo ở trung ương và địa phương cùng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, nước ta đã đạt được 15/15 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Ngành chế biến chế tạo tăng 10%, trong đó có đóng góp của ngành Đồ uống Việt Nam.

 

Với ngành Đồ uống, mặc dù các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng nỗ lực duy trì công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước và ngành sản xuất công nghiệp.

 

Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2024, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), đã cùng các doanh nghiệp đánh giá phân tích tình hình và bám sát triển khai các kế hoạch trọng tâm theo Nghị quyết số 02/NQ-BCH ngày 12/01/2024 đề ra với sự linh hoạt và liên tục cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, với tinh thần luôn tự lực, cố gắng.

 

Công tác tham vấn chính sách, một trong những công tác quan trọng của VBA đã được theo dõi, triển khai theo kế hoạch đề ra, nổi bật là dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với đề xuất tăng thuế cao và sốc đối với ngành đồ uống có cồn (bia, rượu) và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lịch trình được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 tháng 10-11 năm 2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025. Dự luật có tác động và ảnh hưởng lớn tới ngành.

 

VBA và các doanh nghiệp đã phân tích, bám sát, cập nhật các phiên bản của dự thảo, thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp để chia sẻ, thu thập thông tin, xây dựng các cơ sở lập luận, chứng minh khoa học. Đồng thời lấy ý kiến các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như thuế, luật pháp, kinh nghiệm quốc tế, kinh tế, dinh dưỡng v.v để tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ các thông tin đa chiều, các cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế và gửi văn bản tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, tới các Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương, các tổ chức liên quan trong quá trình tham vấn chính sách.

 

Đặc biệt, VBA đã chủ trì và phối hợp để xây dựng hai Báo cáo đánh giá tác động định lượng toàn diện đối với mặt hàng bia và nước giải khát có đường. Đó là Báo cáo “Đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” và Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường” thực hiện bởi các cơ quan nghiên cứu uy tín, chuyên môn sâu: Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam thuộc VBA, cùng đội ngũ chuyên gia uy tín có kinh nghiệm từ lĩnh vực liên quan. Hai báo cáo quan trọng này được kỳ vọng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm các thông tin toàn diện cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định mức thuế, lộ trình tăng thuế phù hợp hơn cho ngành bia, cũng như xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Bên cạnh đó, VBA đã chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo Luật, VBA đã tham gia, phối hợp và chia sẻ các ý kiến tại nhiều sự kiện, diễn đàn liên quan tới việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được tổ chức bởi các cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, đơn vị truyền thông uy tín tổ chức để truyền tải tiếng nói và thông điệp góp ý của ngành đối với dự thảo Luật.

 

Với những hoạt động chủ động, tích cực, linh hoạt, bám sát thực tế và Kế hoạch đề ra, năm 2024, ngành đồ uống đã đạt được những kết quả nổi bật về công tác vận động chính sách đáng ghi nhận như đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), sau khi VBA trao đổi, cung cấp thông tin, đã có trên 90% các Đại biểu Quốc hội phát biểu lên tiếng ủng hộ phương án lùi và giãn lộ trình tăng thuế đối với rượu, bia, cũng như xem xét việc có nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Mặc dù các chính sách về trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất (EPR) chưa bắt đầu thực hiện nhưng VBA đã chủ động xây dựng các kế hoạch và bước đầu triển khai công tác chia sẻ cập nhật hướng dẫn các thông tin mới nhất giúp các doanh nghiệp nắm rõ được nghĩa vụ tái chế của mình và những chi phí phát sinh khi chính sách bắt đầu thực hiện. Đây là một chính sách mới ở Việt Nam nên đòi hỏi quá trình trao đổi chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để có thể vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa tránh được những rủi ro cho bản thân doanh nghiệp, đồng thời giúp cơ quan quản lý sửa đổi các văn bản để phù hợp với thực tiễn hơn.

 

Ngoài ra, VBA còn chủ động theo dõi, tích cực tham gia đóng góp ý kiến bằng nhiều hình thức khác nhau vào các chính sách khác có liên quan: Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Dự thảo thông tư quy định mức sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp bia và nước giải khát không cồn giai đoạn 2025-2030, Dự thảo định mức chi phí tái chế (Fs) và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân v.v.

 

Công tác truyền thông được chú trọng đẩy mạnh, hỗ trợ cho hoạt động tham vấn chính sách thông qua các chiến dịch, chương trình truyền thông chủ động hiệu quả, bám sát các sự kiện liên quan đến dự thảo như công bố dự thảo để lấy ý kiến, hoạt động thẩm định, các hội thảo, tọa đàm, các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường v.v. với các thông điệp ngắn gọn, súc tích cùng với các lập luận dựa trên các cơ sở khoa học, thực tiễn có chiều sâu thông tin, đa chiều thông qua các kênh media, phủ sóng dày đặc. VBA đã và đang phát huy được vai trò tiên phong, chủ đạo chuyển tải các thông tin kịp thời của ngành Đồ uống, tích cực chủ động làm việc, hợp tác, xây dựng được hệ thống truyền thông với các cơ quan truyền thông có uy tín cả nước và cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đồng hành từ cấp lãnh đạo tới các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan truyền thông lớn, uy tín như Truyền hình Quốc hội, VTC TTXVN, VNEconomy, Dân trí, VnExpress, Báo đầu tư, Thời báo tài chính Việt Nam, Đại biểu Nhân dân v.v.

 

Trong năm 2024, các chiến dịch truyền thông cao điểm đã phủ sóng trên 15 đơn vị truyền hình, hàng trăm đầu báo, đặc biệt là các báo lớn, thu hút nhiều độc giả như VNExpress, Dân trí, Vietnamnet, Lao động, Tuổi trẻ, Thanh niên v.v.

 

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của VBA, Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã phản ánh kịp thời những kiến nghị của Hiệp hội về các chính sách liên quan đến ngành cũng như giới thiệu hoạt động của các doanh nghiệp, lan tỏa hình ảnh đẹp của ngành Đồ uống Việt Nam. Năm 2024, Tạp chí ra mắt Tạp chí Bộ mới, tăng cường truyền thông trên điện tử và các nền tảng, đáp ứng nhu cầu hiệp hội.

 

Các hoạt động của VBA luôn hướng đến sự hỗ trợ thiết thực cho ngành và các hội viên. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hội viên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các hoạt động của Hiệp hội. VBA đã vận hành hiệu quả các kênh để trao đổi cung cấp thông tin liên tục, kịp thời cho doanh nghiệp hội viên như họp trực tuyến, lập các nhóm zalo theo các chủ đề, email v.v. Lãnh đạo VBA tới thăm và làm việc với một số hội viên ở ba miền Bắc, Trung, Nam để kịp thời ghi nhận, nắm bắt thông tin, cập nhật các chính sách mới liên quan và tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp tới thăm và làm việc với VBA như Heineken, SABECO, Coca–Cola, TCPVN, v.v. Năm 2024, VBA kết nạp thêm 3 thành viên mới nâng tổng số hội viên lên 94 hội viên.

 

Tiểu ban Nước giải khát đã đi vào hoạt động ổn định chuyên nghiệp, chuyên sâu, tập trung cho những chính sách lớn liên quan đến ngành Nước giải khát. Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam cũng đã thể hiện vai trò trong việc tiến hành thu thập, tổng hợp và đánh giá các thông tin, số liệu thống kê, kinh nghiệm quốc tế, thực hiện các nghiên cứu, báo cáo bổ sung, để củng cố cho các lập luận trong văn bản gửi cơ quan nhà nước.

 

Công tác xúc tiến thương mại, đào tạo luôn góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị trí của VBA với các đối tác trong nước & quốc tế. Năm 2024, VBA đã tiếp nhiều đoàn đối tác, khách quốc tế tới thăm và làm việc với VBA như Infoma maket, Itec, Vinexad, Rượu Châu Âu, v.v tổ chức thành công Hội chợ Xuân 2024 và hàng loạt các hội thảo như “Xu hướng thị trường, công nghệ đồ uống tại Việt Nam trong tương lai”, “Triển lãm Quốc tế Đồ uống Việt Nam 2024”, “Chiến lược và giải pháp phát thải khí nhà kính trong ngành thực phẩm, đồ uống” v.v. Tổ chức các đoàn tham quan Triển lãm tại Thái Lan và Thượng Hải, Trung Quốc, tổ chức các lớp đào tạo, các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ nhân viên.

 

Với tinh thần tương thân tương ái, sự chung tay của doanh nghiệp vào hoạt động cộng đồng của ngành, VBA đã tổ chức chương trình “Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng lũ”, thăm và tặng quà người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, cùng với sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, Văn phòng thường trực của VBA tiếp tục được kiện toàn, nâng cao nghiệp vụ, sửa sang văn phòng để nâng cao hình ảnh và hỗ trợ cho các hoạt động của VBA và các doanh nghiệp.

 

VBA là bạn đồng hành quan trọng trong các hoạt động vận động chính sách, cung cấp thông tin, truyền thông kết nối, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, mở rộng cơ hội hợp tác. VBA là nơi kết nối các hội viên ngành đồ uống, là cầu nối và đối tác quan trọng của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, chuyên gia để kiến tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, bình đẳng, phát triển bền vững cho các doanh nghiệp ngành đồ uống.

 

 

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho biết: Năm 2025, một năm có nhiều sự kiện đặc biệt của đất nước và là một năm quan trọng khi đất nước chuyển mình với bộ máy quản lý tinh gọn từ trung ương tới địa phương, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 và Bầu cử Quốc hội khóa XVI vào năm 2026. Tình hình thế giới, khu vực và trong nước dự báo khó khăn, thuận lợi đan xen. Đối với các doanh nghiệp ngành Đồ uống của chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn từ trong điều kiện mới cũng như các chính sách sửa đổi và áp dụng thời gian tới với những nỗ lực và kết quả đáng khích lệ năm 2024, tôi hy vọng năm 2025, các hội viên ngành đồ uống của chúng ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy vai trò của mình, chủ động, tích cực tham gia đóng góp trong quá trình xây dựng chính sách liên quan đến ngành để có thể giảm thiểu những gánh nặng đối với sản xuất kinh doanh, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, hợp tác trong nước và quốc tế, nâng cao và tạo dấu ấn hơn nữa vị thế của ngành đồ uống đặc biệt là trong văn hóa, ẩm thực du lịch và sự phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới sự phát triển xanh, bền vững trong kỷ nguyên của công nghệ khoa học tiên tiến, phù hợp với xu hướng thời đại.

 

Năm 2025, với các mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng GDP dự kiến đạt từ 6,5 - 7%. Với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, với tinh thần quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, sự đồng lòng của người dân, đất nước ta sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.

 

VBA và các doanh nghiệp rất mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và có những chính sách, giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá của Quốc hội, Chính phủ cho ngành đồ uống trong thời gian tới để ngành có cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại, được đóng góp nhiều hơn vào các mục tiêu quan trọng trong kỷ nguyên mới của đất nước.

 

Để có được sự ghi nhận và vị trí của VBA như hôm nay, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự đồng hành tích cực từ các đối tác, tổ chức hiệp hội, ngành hàng liên quan, các cơ quan báo chí, chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là sự đồng hành của các doanh nghiệp hội viên VBA.

 

Tóm tắt Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia
Tóm tắt "Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia"
Nhằm giúp quý cơ quan, doanh nghiệp và bạn đọc trên cả nước có thêm thông tin khách quan, có căn cứ nghiên cứu khoa học và thực tiễn xung quanh vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành Bia - Rượu - Nước giải khát, Tạp chí Đồ uống Việt Nam xin trích đăng nội dung tóm tắt “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng bia”. Báo cáo đánh giá tác động được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê (TCTK) thực hiện. Báo cáo đã được Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo Công bố vào ngày 25/11/2024 tại Hà Nội. Báo cáo đã nghiên cứu, đánh giá 3 phương án tăng thuế TTĐB (trong đó, phương án 1 (PA1), phương án 2 (PA2) là do Ban soạn thảo Dự thảo Luật Thuế TT ĐB (sửa đổi) đề xuất, phương án 3 là do VBA đề xuất. Nôi dung tóm tắt của
® 2024 Bản quyền thuộc Tạp chí Đồ uống Việt Nam. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Đặt mua tạp chí in
Mã bảo vệ
Đặt mua